Tết này đồng bào các dân tộc ở nhiều địa phương của tỉnh vui mừng, phấn khởi bởi đường đến bản đã được mở mới to đẹp, rộng rãi, thuận lợi trong việc đi lại, giao thương thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Pác Nặm
ngày càng đổi thay nhờ tuyến đường mới
Bản Kẹn Cò, xã Đổng Xá (Na Rì) hôm nay như bừng sáng lên bởi tuyến đường đi xã Xuân Dương và kết nối sang xã Thiện Long, huyện Bình Gia (Lạng Sơn) đã được mở mới, trải nhựa phẳng lì. Tuyến đường có tổng chiều dài khoảng 15km, thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp đường kết nối từ trung tâm huyện Na Rì (Bắc Kạn) với các huyện Bình Gia, Tràng Định (Lạng Sơn) được đầu tư từ nguồn vốn của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), với tổng kinh phí gần 200 tỷ đồng.
Đây là con đường mà người dân ở các thôn Chợ, Nà Quản, Kẹn Cò, Nà Giàng, xã Đổng Xá; thôn Bắc Sen, xã Xuân Dương mong đợi suốt nhiều năm qua. Có đường mới xây dựng kiên cố, khoảng cách giữa các thôn còn nhiều khó khăn về phát triển kinh tế của các địa phương cơ sở này với trung tâm xã, huyện và các xã lân cận thuộc huyện Bình Gia (Lạng Sơn) được rút ngắn lại, đời sống của người dân đang dần được cải thiện và nâng lên.
Ông Nông Văn Đông, Chủ tịch UBND Đổng Xá (Na Rì): Tuyến đường Đổng Xá – Xuân Dương – Thiện Long (Lạng Sơn) đưa vào sử dụng đã tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương. Tuyến đường hoàn thành góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông của xã, kết nối giao thông thông suốt, phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an toàn cho việc đi lại của người dân, đồng thời kết nối phát triển kinh tế - xã hội liên vùng. Có đường mới, trẻ em đến trường được thuận lợi, qua đó duy trì được sĩ số và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục ở địa phương.
Tuyến đường Đổng Xá – Xuân Dương – Thiện Long (Lạng Sơn) đưa
vào sử dụng đã tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương
Ông Lý Văn Khiêm, dân tộc Nùng, ở thôn Kẹn Cò, xã Đổng Xá không giấu được niềm vui khi trao đổi cùng chúng tôi. Ông Khiêm cho biết: Từ khi có tuyến đường này, kinh tế - xã hội của các thôn nơi đây có sự đổi thay, chuyển mình rõ rệt, nông sản làm ra được tiêu thụ ổn định với giá thu mua tăng hơn 1,5 lần so với những năm trước. Nếu trước đây rừng sản xuất khi đến tuổi khai thác chỉ đạt khoảng 50 triệu đồng/ha, thì nay đã tăng lên từ 80-100 triệu đồng/ha.
Mùa xuân năm nay dường như đến sớm hơn cùng đồng bào dân tộc tại các xã Bộc Bố, Bằng Thành (Pác Nặm) bà con nơi đây rất đỗi vui mừng khi công trình cải tạo, nâng cấp đường kết nối từ trung tâm huyện Pác Nặm với xã Sơn Lộ, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) thuộc Dự án “Hạ tầng cơ bản phát triển toàn diện các tỉnh Đông Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn”- Tiểu dự án tỉnh Bắc Kạn được đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và nguồn đối ứng của Chính phủ. Dự án cũng thực hiện đoạn tuyến nhánh thuộc địa phận thôn Pác Nặm, xã Bằng Thành kết nối với đường Mai Long - Tĩnh Túc, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) thuộc địa bàn giáp ranh hai tỉnh đưa vào khai thác sử dụng.
Là người dân bản địa sinh sống nhiều đời nay ở xã Bằng Thành (Pác Nặm), ông Lục Văn Bạn, trú tại thôn Bản Khúa lần đầu tiên được trải nghiệm con đường mới, cùng những cây cầu bê tông thẳng băng từ nay sẽ không còn phải chịu cảnh mùa mưa nước lũ dâng cao làm cô lập người dân trong xã với trung tâm huyện bởi không có cầu nữa. Thay vào đó là niềm vui trọn vẹn, khi cầu, đường thông suốt về đến tận nhà.
Những con đường, cây cầu nối liền đôi bờ mơ ước góp phần tô đẹp diện mạo nông thôn vùng sâu, vùng xa, mang mùa xuân tươi thắm đến với bản làng vùng cao trong năm mới Quý Mão 2023 này.