Thanh Hóa có 4 hệ thống sông chính là sông Mã, sông Yên, sông Hoạt, sông Bạng và 6 cửa sông chính đổ ra biển, gồm các cửa Lạch Càn, Lạch Sung, Lạch Trường, Lạch Hới, Lạch Ghép, Lạch Bạng. Có 26 tuyến sông, kênh, lòng hồ có thể khai thác để phục vụ giao thông - vận tải đường thủy với chiều dài khoảng 1.170km.
Biển báo hiệu giao thông đường thủy được Công ty CP Quản lý ĐTNĐ và
Xây dựng giao thông Thanh Hóa đầu tư lắp đặt trên sông Lèn qua huyện Hà Trung
Hiện đã công bố, đưa vào khai thác, quản lý và bảo trì 23 tuyến đường thủy nội địa (ĐTNĐ), với chiều dài 761km, trong đó có 8 tuyến ĐTNĐ quốc gia với chiều dài 213km và 15 tuyến ĐTNĐ địa phương với chiều dài 548km. Hoạt động vận tải ĐTNĐ trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nhỏ, lẻ, hiện tại tuyến vận tải ĐTNĐ chính từ Thanh Hóa đi các tỉnh khu vực phía Bắc và các tỉnh miền Trung là tuyến kênh Nga Sơn- sông Lèn - sông Mã và ngược lại thông qua các cửa sông nối với tuyến đường thủy ven biển.
Theo báo cáo của Công ty CP Quản lý ĐTNĐ và Xây dựng giao thông Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh có 8 tuyến ĐTNĐ quốc gia với tổng chiều dài 213km. Nhìn chung, các tuyến luồng chạy tàu tương đối ổn định, khai thác vận tải tốt, phục vụ hữu ích cho giao thông - vận tải ĐTNĐ trong và ngoài tỉnh. Tổng số biển báo hiệu được công ty triển khai trên 8 tuyến ĐTNĐ quốc gia là 823 biển, trong đó 568 biển trên bờ, 152 biển trên cầu, 103 biển dưới nước và 330 đèn tín hiệu. Hệ thống báo hiệu trên tuyến được bố trí đầy đủ theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với diễn biến luồng tàu chạy, màu sắc rõ ràng, đúng quy chuẩn.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, Công ty CP Quản lý ĐTNĐ và Xây dựng giao thông Thanh Hóa tăng cường kiểm tra luồng tuyến, kiểm tra hệ thống cơ sở hạ tầng ĐTNĐ, rà soát các phao tiêu báo hiệu bị hư hỏng trên tuyến để sửa chữa, lắp đặt mới. Tăng cường công tác kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở các chủ công trình, bến đò, cầu phao, bến thủy nội địa thực hiện nghiêm Luật Giao thông ĐTNĐ và các quy định về trật tự, an toàn giao thông (ATGT) ĐTNĐ. Đồng thời, tổ chức bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện, thiết bị, đường lên xuống ở các tuyến sông, kênh nhằm bảo đảm đi lại thuận lợi cho người dân, nhất là dịp Tết Nguyên đán, lễ hội Xuân Qúy Mão năm 2023. Phối hợp với chính quyền địa phương để xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm về trật tự, ATGT ĐTNĐ, như tháo dỡ, giải tỏa đăng đáy cá lấn chiếm luồng chạy tàu; phương tiện chở khách, hàng hóa, đò ngang chở quá số người quy định, hành khách qua đò không mặc áo phao, không mang dụng cụ nổi cứu sinh.
Công ty CP Quản lý ĐTNĐ và Xây dựng giao thông Thanh Hóa còn phối hợp với chính quyền các địa phương có đường thủy đi qua (15 huyện, thị xã và 2 thành phố, với 145 xã, phường, thị trấn) tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về giao thông ĐTNĐ và ký cam kết về bảo đảm trật tự, ATGT đường thủy tới các chủ công trình, bến đò... Đồng thời, phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải, Ban ATGT tỉnh kiểm tra công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường thủy mùa mưa bão tại một số vị trí bến đò ngang, bến thủy nội địa, cấp phát áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh cho các bến đò, phương tiện chở khách ngang sông, tuyên truyền, nhắc nhở tới các chủ phương tiện chấp hành nghiêm các quy định về trật tự, ATGT.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiện tại luồng chạy tàu trên các tuyến sông còn nhiều ghềnh thác, bãi cạn, bán kính cong không bảo đảm chuẩn, gây ra lưu tốc dòng chảy rất lớn, về mùa mưa bão mực nước trên các sông thường xuyên ở mức cao, về mùa kiệt chiều sâu chạy tàu và chiều rộng luồng tàu bị hạn chế làm ảnh hưởng đến hoạt động vận tải ĐTNĐ, chủ yếu là các cửa sông Lèn, sông Tào, sông Yên, tuyến Lạch Bạng - đảo Mê và thượng lưu các tuyến sông Mã, sông Lèn.
Trên các tuyến sông có một số cầu không bảo đảm kích thước khoang thông thuyền theo cấp kỹ thuật đường thủy, nhiều vị trí nguy hiểm và điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, nhất là vào mùa bão, lũ. Công tác kiểm tra luồng tuyến, kiểm tra hệ thống biển báo hiệu được Công ty CP Quản lý ĐTNĐ và Xây dựng giao thông Thanh Hóa thực hiện nghiêm túc, kịp thời phát hiện các phao tiêu báo hiệu bị hư hỏng trên tuyến để sửa chữa, phát quang, điều chỉnh, phù hợp với diễn biến của luồng tuyến; cập nhật thường xuyên các chướng ngại vật, tình trạng lấn chiếm hành lang, công trình, bến bãi, bến đò ngang... trên tuyến và phản ánh kịp thời với chủ đầu tư những vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Công tác bảo dưỡng được duy trì thường xuyên theo quy định, đúng định kỳ, tiêu chuẩn, định mức hiện hành, bảo đảm chất lượng, đạt yêu cầu kỹ thuật.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quản lý ĐTNĐ và Xây dựng giao thông Thanh Hóa Hoàng Văn Huy, cho biết: Thực tế thực hiện công tác quản lý, bảo trì ĐTNĐ của công ty trong những năm gần đây, cho thấy hiện nay các tuyến ĐTNĐ trên địa bàn tỉnh còn nhiều đoạn tuyến chưa liên tục, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ. Các luồng chạy tàu chủ yếu đang khai thác là tự nhiên, chưa được cải tạo, còn nhiều đoạn luồng cạn, bán kính cong nhỏ (nhất là các tuyến cửa sông, cửa lạch) không được nạo vét gây khó khăn cho các phương tiện khi tham gia giao thông ĐTNĐ. Hầu hết những người hành nghề trong lĩnh vực giao thông ĐTNĐ có đời sống khó khăn, trình độ dân trí còn thấp, do vậy việc chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông ĐTNĐ còn nhiều hạn chế, như đăng đáy cá và nuôi trồng thủy sản lấn chiếm luồng chạy tàu, hành lang bảo vệ luồng chạy tàu; bến bãi không phép, người điều khiển phương tiện thủy nội địa chưa có chứng chỉ chuyên môn phù hợp.
Đa số các tuyến sông trên địa bàn tỉnh là sông rộng, luồng không sát bờ, việc bố trí lắp đặt biển báo hiệu giao thông ĐTNĐ đều nằm trên bờ và ngoài phạm vi hành lang bảo vệ luồng. Màu sắc báo hiệu ở các tuyến ngoài cửa sông xuống màu nhanh so với thời gian quy định, các phao thường xuyên bị tàu thuyền đánh bắt cá gần bờ đâm va dẫn đến hư hỏng dàn đèn. Do điều kiện khí hậu ẩm ướt nên hầu hết các đèn tín hiệu được lắp đặt từ năm 2018 trở về trước tín hiệu thường xuyên bị chập chờn và không sáng.
Đi đôi với việc quản lý, bảo trì ĐTNĐ, Công ty CP Quản lý ĐTNĐ và Xây dựng giao thông Thanh Hóa đã đầu tư, đưa vào khai thác tuyến du lịch đường thủy đầu tiên “Ngược xuôi sông Mã” chính thức đi vào hoạt động năm 2015. Đến với tuyến du lịch này, du khách không chỉ được thỏa sức ngắm cảnh quan thiên nhiên, nghe thuyết minh viên giới thiệu về những di tích, danh thắng dọc đôi bờ sông Mã, mà trên mỗi chuyến tàu, du khách còn được thưởng thức hò sông Mã, những món ăn đặc trưng của người dân xứ Thanh...
Hiện nay, Trung tâm Phát triển du lịch sông Mã đã xây dựng một số chương trình cụ thể để du khách có thể lựa chọn, như Bến tàu Hoàng Long - chùa Sùng Nghiêm - đền nghè Yên Vực (phủ Vàng) - đền Cô Bơ; Bến tàu Hoàng Long - Tượng đài nữ sinh - Thiền viện Trúc Lâm - Đền cô Bơ; hoặc du khách có thể đi trên du thuyền ngắm danh lam, thắng cảnh đôi bờ sông Mã, thưởng thức những làn điệu dân ca, hò sông Mã và thưởng thức ẩm thực đặc trưng của xứ Thanh.