Huyện Thông Nông, Cao Bằng nằm ở vùng cao biên giới có 11 xã, thị trấn. Các tuyến đường từ trung tâm xã vào các thôn, bản và đường nối các thôn bản dài khoảng 400 km. Hầu hết các tuyến đường này chưa được đầu tư xây dựng, việc giao lưu trao đổi hàng hoá, sản xuất còn nhiều hạn chế.
Huyện Thông Nông, Cao Bằng nằm ở vùng cao biên giới có 11 xã, thị trấn. Các tuyến đường từ trung tâm xã vào các thôn, bản và đường nối các thôn bản dài khoảng 400 km. Hầu hết các tuyến đường này chưa được đầu tư xây dựng, việc giao lưu trao đổi hàng hoá, sản xuất còn nhiều hạn chế.
Trong những năm gần đây, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Thông Nông coi trọng việc phát triển giao thông nông thôn là bộ phận quan trọng của kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn. Huyện tập trung chỉ đạo các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của huyện về công tác xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là đường giao thông liên thôn, liên xóm đến cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Với phương châm: nhân dân tự làm hoặc nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân đóng góp diện tích mặt bằng, đất làm đường, các loại vật liệu, ngày công..., lồng ghép các nguồn vốn, các chương trình dự án khác đầu tư trên địa bàn; huy động các cơ quan, doanh nghiệp đóng góp, hỗ trợ, huyện đã tập trung xây dựng, bê tông hoá các tuyến đường thôn xóm, đường ra nội đồng, phục vụ sản xuất, với nền đường rộng 1,5 m trở lên, dày 15 cm; xây dựng mặt bê tông xi măng ở những nơi có điều kiện tự nhiên thuận lợi, những vùng chuyên canh, đảm bảo đi lại thuận lợi.
Do làm tốt công tác tuyên truyền, nhân dân đồng tình hưởng ứng thực hiện. Đường liên thôn, liên xóm, đường trong thôn, xóm giao cho UBND xã, thị trấn làm chủ đầu tư thực hiện theo cơ chế giám sát của cộng đồng và chịu trách nhiệm quản lý, duy tu, bảo dưỡng. Việc huy động vật liệu, ngày công... do xóm tự bàn bạc quyết định. Nếu dự án nằm trong kế hoạch nhưng dân cư không tự nguyện đóng góp đất và tự giải phóng mặt bằng sẽ chuyển sang đầu tư nơi khác. Mọi việc được bàn bạc dân chủ, thống nhất, nên trong một thời gian ngắn, các địa phương đồng loạt khởi công. Từ năm 2011 đến nay, toàn huyện đã huy động hơn 1 tỷ 345 triệu đồng, làm được 12,029 km. Trong đó, xã Đa Thông được hỗ trợ 155,168 triệu đồng, 107,5 tấn xi măng, làm được 1.430 m đường; xã Bình Lãng, 168 triệu đồng, 94 tấn xi măng, làm 3.848 m đường; xã Cần Nông, 54 triệu đồng…
Ông Vi Văn Dậu, xóm Bua Hạ, xã Bình Lãng cho biết: Trước đây, con đường xóm vào mùa khô thì bụi, mùa mưa thì lầy lội. Qua tuyên truyền vận động làm đường vào xóm, Nhà nước hỗ trợ 20 tấn xi măng, mỗi hộ phải đóng góp 1 triệu đồng, chúng tôi đã làm được con đường bê tông. Nay mưa, nắng, con đường vẫn sạch sẽ, bà con rất phấn khởi.
Theo đồng chí Nông Minh Huân, Chủ tịch UBND huyện Thông Nông, từ nay đến hết năm 2012, huyện tiếp tục chỉ đạo các địa phương vận động nhân dân thực hiện hoàn thành, đưa vào sử dụng 9,544 km đường giao thông nông thôn. Phấn đấu từ năm 2011 - 2015, mỗi xã, thị trấn có ít nhất 5 km đường bê tông thôn, xóm.
Theo báo Cao Bằng