Ngày 20/9, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức tổng kết 10 năm phát triển giao thông nông thôn (2000 - 2009) và sơ kết 3 năm thực hiện đề án phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn (2010 - 2012).
Ngày 20/9, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức tổng kết 10 năm phát triển giao thông nông thôn (2000 - 2009) và sơ kết 3 năm thực hiện đề án phát triển giao thông nông thôn (GTNT) trên địa bàn (2010 - 2012).
Trong giai đoạn 2013 - 2015, toàn tỉnh phấn đấu thực hiện chương trình bê tông hoá đạt khoảng hơn 600 km đường giao thông nông thôn, bình quân mỗi năm xây dựng trên 200 km. Để thực hiện chương trình này, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ 240 tỷ đồng, ngân sách huyện và huy động trong nhân dân 280 tỷ đồng.
Ông Đinh Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: để thực hiện tốt mục tiêu đề ra, trong thời gian tới các địa phương cần rà soát nhu cầu bê tông hoá GTNT trên địa bàn, có kế hoạch phân kỳ đầu tư cho phù hợp với nguồn vốn được hỗ trợ và huy động đóng góp sức dân. Tỉnh ưu tiên cho các tuyến đường thật sự có nhu cầu bức xúc để đảm bảo nhu cầu đi lại của nhân dân, tập trung dứt điểm, không dàn trải. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các xã phường, thị trấn tăng cường công tác quản lý hành lang đường bộ đã được đầu tư, tổ chức cắm mốc giới theo quy hoạch, không để tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép xảy ra. Tỉnh phấn đấu đến năm 2015 đạt 66% đường GTNT trên địa bàn tỉnh được bê tông hóa.
Trong thời gian qua, với sự nỗ lực của các cấp các ngành, cùng nhân dân toàn tỉnh, Quảng Nam đã đẩy mạnh xây dựng và phát triển GTNT rộng khắp. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng, bê tông hoá được 3.622 km đường giao thông nông thôn và hàng ngàn cầu cống có khẩu độ 0,3 đến 0,7 mét. Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai xây dựng GTNT trên địa bàn Quảng Nam cũng đã rút ra được nhiều kinh nghiệm quý như: để huy động nguồn lực trong dân, điều kiện tiên quyết là phải phát huy dân chủ, đảm bảo tính công khai, minh bạch theo phương châm “dân biết, dân làm, dân kiểm tra”. Để định hướng đúng cho sự phát triển, các cơ quan quản lý nhà nước các cấp phải thực hiện tốt chức năng quản lý, quy hoạch chính sách, xây dựng quy hoạch, kế hoạch và giám sát việc triển khai thực hiện; lồng ghép các nguồn vốn từ những chương trình mục tiêu quốc gia như xây dựng nông thôn mới để tập trung nguồn lực đẩy nhanh việc xây dựng GTNT...
Theo TTXVN