Bắc Giang: Công tác bảo trì đường giao thông nông thôn còn bỏ ngỏ

Thứ ba, 30/10/2012 09:02
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Công tác quản lý khai thác, bảo trì đường giao thông là hoạt động thường xuyên được thực hiện ngay sau khi con đường mới đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, đối với đường xã, thôn, công việc này gần như bỏ ngỏ khiến đường nhanh xuống cấp.

Công tác quản lý khai thác, bảo trì đường giao thông là hoạt động thường xuyên được thực hiện ngay sau khi con đường mới đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, đối với đường xã, thôn, công việc này gần như bỏ ngỏ khiến đường nhanh xuống cấp.

Theo trưởng thôn Tăng Quang, xã Bích Sơn (Việt Yên - Bắc Giang) Nguyễn Sỹ San, từ ngày hoàn thành cứng hóa 100% đường thôn với tổng vốn đầu tư hơn 2 tỷ đồng, đến nay thôn chưa có quỹ riêng để bảo trì thường xuyên. Vào các ngày lễ, tết hoặc thôn có sự kiện gì đường mới được làm vệ sinh. Còn việc bảo dưỡng thường xuyên như đường tỉnh, đường huyện (có người chịu trách nhiệm thường xuyên về tuần đường, chăm sóc, khơi thoát nước) thì thôn chưa thực hiện được. Vì vậy nên con đường nhanh chóng xuống cấp, mặt đường bị cây, đất, đá, rác rưởi che lấp và ngập nước sau mỗi trận mưa.

Chủ tịch UBND xã Bích Sơn Nguyễn Ngọc Hiệu cũng cho biết, hầu hết các thôn và xã đều chưa có người làm công việc bảo trì đường thường xuyên. Xã chỉ đạo mỗi thôn xây dựng mô hình tự quản bảo trì đường thôn, nhưng mới chỉ làm được công tác vệ sinh. Còn việc sửa chữa đường xã chỉ thực hiện mỗi năm một đợt với nguồn kinh phí eo hẹp. Theo quy định của tỉnh về bảo trì đường huyện, đường xã thì cấp xã phải trích 10% kinh phí thu từ sự nghiệp kinh tế để bảo trì đường xã, nhưng số kinh phí này khó bảo đảm cho sửa chữa định kỳ, chưa nói đến công việc bảo trì.

Tương tự, ở các xã Hương Mai, Thượng Lan (Việt Yên), đường xã giao cho cán bộ giao thông xã, đoàn thanh niên, hội phụ nữ hay thuê nhân công sửa chữa theo năm. Đối với những con đường sau khi cứng hóa được bảo vệ bằng những trụ cấm xe tải nặng qua lại giai đoạn đầu, còn sau đó đều không được quan tâm bảo trì. Theo ông Nguyễn Văn Hạnh, Chủ tịch UBND huyện Việt Yên, huyện sẽ nghiên cứu lựa chọn mô hình bảo trì cụ thể cho từng loại đường (huyện, xã, thôn) sao cho hiệu quả nhất.

Tại một số xã huyện Hiệp Hòa đều không có khái niệm bảo trì đường bê tông. Huyện chỉ đạo công tác bảo trì đến xã, xã giao trách nhiệm cho các thôn song tình trạng đường thôn đọng nước, xuống cấp còn phổ biến. Ông Nguyễn Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Thực hiện quyết định của UBND tỉnh về quy định quản lý bảo trì đường huyện, đường xã trên địa bàn tỉnh, huyện Hiệp Hòa đã tổ chức hội nghị phổ biến đến lãnh đạo, cán bộ giao thông thủy lợi xã.

Tuy nhiên, hiện tại nhiều xã vẫn chưa vào cuộc, một phần khó khăn về kinh phí, phần khác do địa phương có tư tưởng chờ đợi nguồn hỗ trợ của cấp trên nên đường giao thông tuyến xã xuống cấp nhanh. Việc bảo trì thường xuyên đường xã giao cho cán bộ môi trường các xã có hưởng phụ cấp; đường thôn giao cho thôn bảo trì bằng nguồn lao động công ích. Tuy nhiên, hầu hết đều có tình trạng khi đường hỏng rồi mới tìm cách sửa chứ chưa có biện pháp tích cực bảo trì để tránh hư hỏng từ đầu.

Theo điều tra mới đây của Sở GTVT Bắc Giang, mới có 30% đường xã và 20% đường thôn được thực hiện bảo dưỡng hằng năm. Mặc dù hiện tại, hầu hết các thôn đều đã xây dựng hương ước quy định cách thức thực hiện nhiều việc công của thôn, nhưng việc bảo trì thường xuyên đường giao thông thì còn bỏ ngỏ.

Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, công tác bảo trì đường giao thông cần gắn liền với công việc vệ sinh môi trường, được thực hiện hằng ngày. Mỗi xã, thôn nên giao cố định cho một tập thể hoặc cá nhân phụ trách, có cam kết trách nhiệm cụ thể. Qua đó khắc phục phần nào việc đường GTNT nhanh hư hỏng, xuống cấp như hiện nay./.

Theo báo Bắc Giang

Kim Cúc (Theo báo Bắc Giang)

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)