Đến nay, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) đã quy hoạch xong mạng lưới giao thông trên địa bàn các xã, thị trấn rà soát, bổ sung quy hoạch phù hợp với tình hình thực tế và theo tiêu chí XDNTM.
Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/HU ngày 30/12/2008 của Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) đã xây dựng Đề án “Phát triển giao thông đường bộ huyện Thiệu Hóa giai đoạn 2009 - 2015”. Nhờ đó, trong những năm qua, hệ thống giao thông (nhất là đường giao thông nông thôn) trên địa bàn đã được huyện huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới (XDNTM).
Đến nay, huyện đã quy hoạch xong mạng lưới giao thông trên địa bàn các xã, thị trấn rà soát, bổ sung quy hoạch phù hợp với tình hình thực tế và theo tiêu chí XDNTM. Căn cứ vào quy hoạch, các xã tập trung xây dựng chương trình, kế hoạch đầu tư cụ thể phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ lợi ích của việc đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư. Ngoài việc huy động các nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh và nguồn vốn nước ngoài, huyện khuyến khích phát huy nội lực từ nguồn ngân sách huyện, ngân sách xã và đóng góp của nhân dân. Ưu tiên bố trí quỹ đất theo quy hoạch để khai thác nguồn thu cho ngân sách huyện, ngân sách xã phục vụ giải phóng mặt bằng, xây dựng đường giao thông huyện, xã. Chỉ đạo các phòng, ban có liên quan, các xã thực hiện có hiệu quả nguồn vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ xây dựng đường giao thông nông thôn, đường giao thông nội đồng theo chương trình XDNTM, chương trình cánh đồng năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý trong quá trình đầu tư xây dựng, nhất là đối với cấp xã, thị trấn. Tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức từ huyện đến xã làm công tác quản lý dự án, giám sát, quản lý quy hoạch. Huyện ban hành nhiệm vụ khảo sát, thiết kế mẫu về mặt đường đối với đường xã, đường thôn, ngõ xóm phù hợp với tiêu chí XDNTM để chủ đầu tư lựa chọn, áp dụng nhằm tiết kiệm thời gian, giảm chi phí khảo sát thiết kế.
Là một trong sáu xã điểm XDNTM của huyện Thiệu Hóa, đến hết năm 2010, trên địa bàn xã Thiệu Tâm còn 9 km đường thôn, 3 km đường xã chưa được cứng hóa. Thực hiện chỉ đạo của huyện, năm 2011 xã rà soát, bổ sung vào quy hoạch xây dựng đường giao thông nông thôn theo tiêu chí XDNTM. Đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp xây dựng đường giao thông nông thôn. Từ cuối năm 2011 đến nay, toàn bộ 8 thôn trong xã đã và đang triển khai xây dựng đường giao thông trong thôn, dự kiến hết tháng 12-2012 hoàn thành. Các tuyến đường đầu tư xây dựng bằng bê tông xi-măng, đường trục chính rộng 3 m trở lên, dày 18 cm; đường trục xóm rộng 2,5 m trở lên, dày 15 cm; đường ngõ xóm rộng 2 m trở lên, dày 10 cm. Nguồn vốn kích cầu của Nhà nước 418 tấn xi-măng và xã trích ngân sách hỗ trợ 400 tấn xi-măng (hơn 20% giá trị công trình). Nguồn vốn còn lại các thôn huy động đóng góp bình quân 700.000 đồng/khẩu, hoàn thành thu trong năm 2013. Quá trình đầu tư xây dựng, xã cử cán bộ phối hợp với thôn để giám sát, từng thôn thành lập tổ giám sát cộng đồng, vì vậy chất lượng và tiêu chuẩn xây dựng các tuyến đường đều bảo đảm theo quy định.
Trong quá trình đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, các xã đã vận động nhân dân hiến đất, công trình, cây cối để mở rộng đường. Cùng với đó, các xã đã làm tốt công tác giải phóng mặt bằng theo phương châm làm đến đâu hoàn thành dứt điểm đến đó. Từ năm 2009 đến hết năm 2012, trên địa bàn huyện Thiệu Hóa đã huy động hơn 120 tỷ đồng xây dựng đường giao thông nông thôn và hệ thống cầu, cống, trong đó nhân dân đóng góp 34,5 tỷ đồng. Đã kiên cố được 206,6 km/tổng 274,89 km đường xã, đường liên thôn; 454,8km/tổng 536,89 đường thôn, xóm; xây dựng cải tạo, sửa chữa 20 cầu, 772 cống các loại. Sau đầu tư xây dựng, huyện chỉ đạo các xã xây dựng và ban hành quy định quản lý lòng, lề đường, hành lang an toàn giao thông, tăng cường công tác tuyên truyền và tổ chức thực hiện. Công an huyện tăng cường công tác quản lý hoạt động và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng xe quá tải trên địa bàn.
Phát huy kết quả đạt được, huyện Thiệu Hóa đang tiếp tục đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông trên địa bàn. Phấn đấu đến năm 2015, toàn bộ các tuyến đường tỉnh, đến đường thôn, xóm đều được đầu tư xây dựng, nâng cấp bảo đảm tiêu chuẩn, mặt đường bằng nhựa hoặc bê tông xi-măng và đường giao thông nội đồng kiên cố đạt 30%./.
Theo báo Thanh Hóa