Một trong những nhiệm vụ trọng tâm cho mục tiêu nâng cấp trở thành thị xã vào năm 2015 của Đông Triều là tập trung đẩy mạnh phát triển hệ thống đường giao thông, từ tuyến đường huyện đến đường liên xã, liên thôn, xóm.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm cho mục tiêu nâng cấp trở thành thị xã vào năm 2015 của Đông Triều là tập trung đẩy mạnh phát triển hệ thống đường giao thông, từ tuyến đường huyện đến đường liên xã, liên thôn, xóm.
Tính đến nay, tuyến đường trục huyện đã được nhựa, bê tông hoá 38/45km; liên xã 24/24km; liên thôn 112km/219km; ngõ xóm đã cứng hoá được 333,5km/520km... Tính theo tiêu chí xây dựng giao thông trong nông thôn mới thì toàn huyện có 19/19 xã đường trục xã, liên xã, thôn đến thôn được cứng hoá; đặc biệt các xã Đức Chính, Nguyễn Huệ và Hồng Phong đạt chuẩn về quy mô và kết cấu đường cấp A của Bộ Giao thông vận tải...
Có được kết quả trên, là do trong những năm qua, Đảng bộ huyện Đông Triều, đặc biệt là trong 2 nhiệm kỳ gần đây (XXI và XXII) đã có nghị quyết chuyên đề về phát triển giao thông nông thôn, coi đây là một chỉ tiêu quan trọng trong việc thực hiện đề án công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn và là chỉ tiêu thi đua của các địa phương trong huyện. Với chủ trương, quan điểm, định hướng đúng đắn, sát thực tiễn, năng động, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, sự quyết tâm và nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân trên địa bàn. Ban hành cơ chế huy động kinh phí cho làm đường giao thông nông thôn miền núi đảm bảo tỷ lệ phù hợp cho từng vùng. Hàng năm huyện trích ngân sách từ 1-2 tỷ đồng để hỗ trợ làm đường giao thông với cơ chế 30/70 (30% kinh phí huyện hỗ trợ, 70% kinh phí dân đóng góp), ngoài ra vận động các tổ chức KT-XH, doanh nghiệp đóng góp tham gia...
Đông Triều đã phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân làm đường giao thông, coi trọng tuyên truyền vận động, huy động đóng góp tự nguyện của nhân dân với quan điểm dân thông suốt, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Để huy động vốn, ngày công của nhân dân, cán bộ các ngành chuyên môn và các tổ chức đoàn thể đã bám sát địa bàn xã, thôn họp, giải thích cho dân hiểu, dân tin. Công tác quản lý sử dụng đảm bảo công khai, dân chủ từ khi triển khai dự án đến khâu quyết toán công trình. Đặc biệt, trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới các cấp, các ngành đã tập trung vận động tuyên truyền nhân dân hiến đất để mở rộng đường giao thông nông thôn. Chỉ tính từ năm 2012 trở lại đây, đã có hàng trăm hộ dân hiến đất ở mở đường giao thông với trên 70.000m2 đất; xây dựng một cầu mới ở xã Tràng An; sửa chữa gần 10km trục đường huyện, bê tông hoá và cấp phối trên 34km... với tổng kinh phí trên 128 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 35% (gồm tiền mặt, ngày công và diện tích đất hiến).
Phát huy kết quả này, trong thời gian tới, Đông Triều tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia xây dựng giao thông nông thôn nhằm tạo thành sự thống nhất trong toàn Đảng bộ, chăm lo, giao trách nhiệm cho cá nhân, tổ chức trong việc huy động vốn và công sức làm đường giao thông. Có thể thấy rằng, hiện nay Đông Triều đang nỗ lực đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống giao thông, làm động lực phát triển kinh tế - xã hội cho huyện. Góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.
Nguồn: Báo Quảng Ninh