Phong trào làm đường giao thông nông thôn góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới trong năm 2012 và những tháng đầu năm 2013 ở xã Hồng Châu (Yên Lạc, Vĩnh Phúc) được nhân dân đồng thuận, chung sức góp công, góp của, hiến đất làm đường.
Phong trào làm đường giao thông nông thôn góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới trong năm 2012 và những tháng đầu năm 2013 ở xã Hồng Châu (Yên Lạc, Vĩnh Phúc) được nhân dân đồng thuận, chung sức góp công, góp của, hiến đất làm đường.
Tính đến hết ngày 20/3, trong xã có 5/6 thôn vận động nhân dân tự nguyện đóng góp hàng tỷ đồng để xây dựng đường bê tông trong các thôn, làng và làm sân thể thao, công trình vui chơi, giải trí cho người dân. Mức đóng góp bình quân đạt 300.000 đồng/khẩu. Nhiều hộ gia đình đóng góp hàng chục triệu đồng như hộ ông Hoàng Văn Tẽo ở thôn 4 đóng góp vật tư và tiền mặt trị giá 80 triệu đồng; hộ ông Doãn Văn Tuấn ở thôn 2 đóng góp 70 triệu đồng tiền mặt. Thi đua giữa các thôn, chỉ trong thời gian ngắn trước Tết Nguyên đán 2013, các thôn đã xây dựng được hàng ngàn mét đường bê tông, trong đó, thôn 6 (Kim Lân) làm được 323m trị giá 260 triệu đồng; thôn 2 (Ngọc Long) làm được 250m trị giá 180 triệu đồng; thôn 5 làm được trên 200m trị giá 160 triệu đồng; thôn 1 làm được 130m trị giá 80 triệu đồng...
Cùng với làm đường bê tông, thôn Ngọc Đường còn vận động nhân dân đóng góp được trên 200 triệu đồng xây dựng sân thể thao phục vụ đời sống văn hóa trong thôn. Trong các thôn, làng, đã có hàng chục hộ dân tự nguyện hiến hàng trăm m2 đất để cho thôn làm đường. Ngoài ra, một số tuyến đường khác ở thôn 6 cũng được nhân dân đóng góp tiền đất tôn cao, mở rộng nền đường trị giá hơn 30 triệu đồng tạo thuận lợi để huy động vốn làm bê tông mặt đường.
Theo ông Nguyễn Xuân Học, Chủ tịch UBND xã Hồng Châu phong trào nhân dân tự nguyện đóng góp làm đường GTNT và một số công trình văn hóa, tín ngưỡng vẫn đang tiếp tục được nhân rộng và mang lại hiệu quả thiết thực. Xã có chủ trương đúng, hợp lòng dân cùng với làm tốt công tác dân vận, quy chế dân chủ, công khai, minh bạch, giao cho các thôn tự thu, tự làm, tự giám sát theo tiêu chuẩn chung của xã nên chất lượng và hiệu suất đầu tư cao hơn, không có tình trạng thất thoát, lãng phí.
Nguồn: Báo Vĩnh Phúc