Yên Bái: Huy động được sức dân tham gia làm giao thông nông thôn tại Yên Bình

Thứ ba, 16/04/2013 08:14
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Phát triển giao thông nông thôn là nhu cầu cấp thiết, không chỉ đi lại thuận tiện mà còn phục vụ nhiệm vụ an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa giữa các vùng miền.

Phát triển giao thông nông thôn là nhu cầu cấp thiết, không chỉ đi lại thuận tiện mà còn phục vụ nhiệm vụ an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa giữa các vùng miền.

Mỗi xã, mỗi huyện đều có một cách làm, nơi thì khai thác vật liệu tại chỗ, nơi thì huy động sức dân, nơi thì vận dụng mọi nguồn lực đầu tư... song không phải nơi nào cũng thành công. Huyện Yên Bình (Yên Bái ) cũng vậy, phong trào thì có nhưng kết quả đạt được chẳng đáng là bao, cố lắm mỗi năm cũng chỉ có 1-2km đường được mở mới, bê tông hóa.

Nhưng năm 2012, nơi đây đã có bước đột phá trong phong trào giao thông nông thôn, hàng chục km đường được mở mới, bê tông hóa trên khắp vùng quê.

Mục đích, giá trị của những con đường thì ai cũng hiểu nhưng làm thế nào để huy động được sức dân tham gia làm giao thông nông thôn khi nguồn vốn đầu tư của Nhà nước có hạn lại là một điều khó khăn. Không phải người dân không biết chia sẻ với chính quyền hay người dân không có điều kiện đóng góp mà là làm thế nào để dân hiểu, dân tin những đồng tiền, mồ hôi công sức họ đóng góp được sử dụng đúng mục đích.

Trước thực trạng đó, từ năm 2011, Yên Bình vừa vận động nhân dân tham gia đóng góp công, của làm đường giao thông, vừa tổ chức làm điểm tại xã Đại Minh và giao cho xã, thôn làm chủ đầu tư, vừa quản lý vốn vừa tổ chức thi công, đồng thời kiêm luôn giám sát công trình, huyện hỗ trợ kỹ thuật. Từ mô hình điểm tại xã Đại Minh, người dân rất phấn khởi, nhà nhà tham gia làm đường, góp công, góp sức, những khu đường hẹp nhiều hộ dân đã hiến đất vườn, đất đồi, thậm chí cả đất thổ cư để làm đường.

Từ những thành công ban đầu đó, năm 2012 huyện tiến hành triển khai và phát động phong trào làm đường giao thông ở tất cả các xã từ vùng thấp đến vùng cao. Những tuyến đường bê tông, đường mở mới ngày một nối dài và vươn đến tất cả các xã trong huyện. Sau những ngày mùa bận rộn, bà con nông dân lại khai thác đá, cát, sỏi góp làm đường, các "lão nông chi điền" nay đã trở thành những “công nhân” giao thông.

Hết năm 2012 toàn huyện đã bê tông hoá được 13km đường, mở mới đường đất được 72km, đạt giá trị trên 36 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 10 tỷ đồng. Các xã làm được nhiều là: Đại Minh, Vĩnh Kiên, thị trấn Thác Bà, Mông Sơn, Bạch Hà, Yên Bình, Vũ Linh, Xuân Lai... Việc nhân dân đóng góp với số tiền trên 10 tỷ đồng là một con số mà nhiều địa phương phải ao ước.

Vui hơn nữa là đã có hàng trăm hộ dân hiến hàng chục ngàn mét vuông đất để làm đường mà không hề nhận một đồng tiền bồi thường. Xã Vĩnh Kiên có hàng chục hộ dân hiến gần 15 ngàn m2 đất và đóng góp trên 500 triệu đồng để làm đường giao thông nông thôn đạt chuẩn. Gia đình ông Trần Văn Thọ ở thôn Ba Chãng đã hiến hơn 500m2 đất đang trồng chè để cho thôn làm đường là một minh chứng rõ nét cho sự đồng thuận của người dân.

Văn Lãng là một xã nghèo của huyện Yên Bình thế mà khi huyện, xã phát động phong trào làm giao thông đã có 80 hộ dân tự nguyện hiến trên 14 ngàn m2 đất để mở rộng các tuyến đường. Gia đình ông Lương Năng Đạt là một trong số đó. 1.800m2 đất ao thả cá, đất vườn rừng, đất sản xuất nông nghiệp, diện tích đất này mà áp theo giá đền bù của Nhà nước chí ít gia đình ông cũng nhận được cả trăm triệu đồng.

Nhưng ông cũng thấu hiểu được nỗi khó khăn, vất vả trong việc đi lại của bà con trong thôn, trong xã cũng như gia đình và con cháu ông mỗi khi mùa mưa về. Đường đi lại khó khăn cũng đồng nghĩa kinh tế chậm phát triển, các sản phẩm hàng hóa của bà con làm ra chủ yếu là "nội tiêu" trong thôn, xã hoặc có bán được thì giá cũng rất rẻ mạt, từ suy nghĩ đó mà ông đã tự nguyện hiến đất.

Sự đóng góp của nhân dân trong làm giao thông nông thôn ở Yên Bình trong thời gian qua là rất đáng trân trọng và tự hào, nhiều tuyến đường người dân tham gia lao động rất vất vả, không thể tính bằng tiền. Qua thực tế cho thấy, yếu tố tạo nên phong trào sâu rộng và nhận được sự đồng thuận cao của người dân là trong quá trình thi công phải minh bạch các nguồn vốn, nhất là vốn đóng góp của nhân dân, 100% tuyến đường đều có sự giám sát chặt chẽ của người dân.

Phát huy kết quả đã đạt được, trong năm 2013, huyện tiếp tục phát động phong trào làm giao thông nông thôn, phấn đấu bê tông hóa 30km, nâng cấp, mở mới 50km và đến năm 2020 tất cả các tuyến đường liên thôn, liên xã được bê tông hóa. Với những cách làm ấy và quan trọng hơn là Yên Bình đã nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân các dân tộc trong huyện thì mục tiêu đó là nằm trong tầm tay.

Nguồn: Báo Yên Bái

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)