Hà Giang: Cơ giới hóa - bước đột phá trong làm đường giao thông nông thôn ở xã Việt Lâm

Thứ ba, 11/06/2013 08:11
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Về xã Việt Lâm (Vị Xuyên, Hà Giang) trong những ngày nắng “rải” lửa, hòa mình trong tiếng máy trộn bê tông nổ giòn giã, nhìn những khuôn mặt “cháy” đỏ cùng nụ cười hạnh phúc... mới cảm nhận được không khí náo nhiệt của phong trào ra quân làm đường giao thông nông thôn nhộn nhịp khắp nẻo đường quê.

Về xã Việt Lâm (Vị Xuyên, Hà Giang) trong những ngày nắng “rải” lửa, hòa mình trong tiếng máy trộn bê tông nổ giòn giã, nhìn những khuôn mặt “cháy” đỏ cùng nụ cười hạnh phúc... mới cảm nhận được không khí náo nhiệt của phong trào ra quân làm đường giao thông nông thôn (GTNT) nhộn nhịp khắp nẻo đường quê.

Xác định đường GTNT có vai trò quan trọng, mang tính đột phá và là đòn bẩy trong việc phát triển KT -XH ở địa phương, lãnh đạo huyện Vị Xuyên đã chủ động chỉ đạo đưa cơ giới hóa, huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh phong trào làm đường GTNT. Không quản tiết trời nắng nóng, các đồng chí lãnh đạo huyện đã trực tiếp xuống bám sát cơ sở, động viên các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và nhân dân ra sức làm đường GTNT. Trong đó, Ban Chỉ huy Quân sự huyện phối hợp với cán bộ, chiến sỹ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Công an huyện; Huyện đoàn; các ban, ngành, đoàn thể trong huyện, mỗi đơn vị cùng tham gia giúp dân làm 1 km đường giao thông liên thôn. Bà con trong xã tiếp tục hoàn thành 2 km theo tiến độ được giao.

Đồng chí chí Lương Văn Đoàn, Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: Nếu chỉ huy động sức dân để làm đường GTNT theo cách làm truyền thống với những phương tiện bán thô sơ sẽ mất nhiều thời gian, tiến độ thi công chậm. Hơn nữa, đây là thời điểm vào mùa vụ, bà con phải tham gia lao động sản xuất đảm bảo tiến độ theo thời vụ. Thấu hiểu điều đó, lãnh đạo huyện chủ trương đưa cơ giới hóa vào làm đường GTNT. Đồng thời huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm: Giảm sức dân, đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo yếu tố mỹ quan cũng như chất lượng, quy chuẩn đường GTNT. Thay bằng những hình ảnh trước đây, người dân mỗi người một việc: Người thì san gạt, vận chuyển nguyên vật liệu; người sắp xếp hai bên bờ đường sao cho thẳng; người thì chuyền tay nhau những xô cát, sỏi đổ vào máy trộn bê tông. Thì nay, những chiếc máy trộn có thùng sắt chứa trên 5m3 bê tông, lớn gấp nhiều lần so với máy thủ công, đem lại hiệu quả rõ rệt. “Nếu sự cần cù lao động của bà con làm được 20m/ngày thì nay chỉ cần 1 máy xúc và hơn 10 người tham gia phục vụ, trong một ngày có thể đổ được từ 50 - 70 mét đường bê tông đạt chuẩn với mặt bằng đường rộng 4m, dầy 18cm và hai bên lề đường, mỗi bên rộng 1m. Việc cơ giới hóa có thể làm thay sức của hàng chục người, nâng tiến độ thi công lên gấp 3-4 lần so với trước đây”, đồng chí Nguyễn Tiến Lợi, Bí thư Huyện ủy chia sẻ. Hơn nữa, quá trình trộn bê tông được thực hiện hoàn toàn bằng máy mà không cần dùng sức của nhân công như trước. Máy trộn sẽ tự động trộn đều các phối liệu hỗn hợp bê tông và vữa như: Cát, đá, xi măng, nước và các phụ gia khác theo tỷ lệ nhất định, đảm chất lượng cao và tiết kiệm xi măng hơn so với cách trộn thủ công. Sau đó, những chiếc máy xúc sẽ thay đôi bàn tay người nhân công đưa những gầu bê tông lớn rải lên nền đường một cách nhanh chóng, thuận tiện. Đôi bàn tay họ sẽ làm những công việc nhẹ nhàng hơn trong khâu đóng cốt pha, dầm...

Thực tế cho thấy, sự tư duy sáng tạo, luôn nghĩ cho dân của lãnh đạo huyện trong việc đưa cơ giới hóa vào làm đường GTNT vừa đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo kỹ thuật lại góp phần giảm bớt sức dân, giúp bà con có thời gian yên tâm sản xuất đúng khung thời vụ. Anh Nguyễn Văn Toàn, thôn Chang tâm sự: “Những năm trước, gia đình nào neo người mà phải tham gia xây dựng đường GTNT thì không có người lo việc đồng áng. Nhưng giờ, máy xúc, máy trộn đã làm thay công việc của rất nhiều người. Chúng tôi vừa có người tham gia làm đường lại vừa có người yên tâm sản xuất!”.

Trong tiếng máy trộn bê tông nổ giòn giã, chúng tôi có mặt ở thôn Dưới để gặp anh Vương Huyền Sơn, cùng 25 bộ đội của Trung đoàn 877 - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, đang san gạt những lớp xi măng dưới trời chiều đổ lửa. Chiếc áo xanh thấm đẫm những giọt mồ hôi nhưng các anh không quên nở những nụ cười đôn hậu. “Dù nắng có làm anh em vất vả, nhưng chúng tôi mong trời cứ nắng mãi thế này, để bà con nhân dân trong xã sớm có những “con đường vui”. Với phương châm: “Ở đâu dân khó, có quân. Ở đâu dân cần, quân có”. Trung đoàn 877 đang nỗ lực giúp dân làm 1km đường bê tông nông thôn. Với 2 máy trộn, 12 người phục vụ cùng sự hướng dẫn của kỹ thuật viên trên huyện, đã góp phần đảm bảo về tiến độ cũng như kỹ thuật làm đường. Nếu thời tiết thuận lợi, trong một buổi sáng, Trung đoàn có thể hoàn thành 6-7 khuôn xi măng có chiều dài 3m, chiều rộng 2m và cao 18 cm.

Được biết, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, xã Việt Lâm được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ 7,5 tỷ đồng để xây dựng đường bê tông nông thôn. Với 14 tỷ được cấp cho 5,6 km đường. Uớc tính tổng chi phí xây dựng trực tiếp cho trục đường 9km chạy dài qua các thôn Nèn, Hát, Chung, Chang, Dưới, Lùng Sinh lên đến trên 21 tỷ đồng bao gồm các công đoạn: Đào đắp đất, cầu, cống, kè... dự kiến công trình sẽ hoàn thành xong trong tháng 6.

Việc chủ trương đưa cơ giới hóa vào làm đường GTNT, huy động mọi lực lượng tham gia hưởng ứng đã tạo thành phong trào thống nhất trong việc xây dựng đường GTNT ở xã Việt Lâm. Điều đó cho thấy, chủ trương của huyện đã đi vào lòng dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc: “Xây dựng nông thôn mới nhằm sản xuất, phát triển đời sống sung túc, phong tục văn minh - ăn ở sạch sẽ, đi lại đàng hoàng - bộ máy dân chủ”, làm diện mạo thôn quê khởi sắc.

Nguồn: Báo Hà Giang

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)