Thời gian qua, các xã thuộc Thị xã Sông Cầu đã huy động sức dân xây dựng đường nông thôn theo đề án Bê tông hóa giao thông nông thôn của tỉnh Phú Yên. Nhờ vậy, những con đường đất quanh co lún cát ngày nào giờ đã trở nên khang trang, tạo diện mạo mới cho làng quê.
Thời gian qua, các xã thuộc Thị xã Sông Cầu đã huy động sức dân xây dựng đường nông thôn theo đề án Bê tông hóa giao thông nông thôn của tỉnh Phú Yên. Nhờ vậy, những con đường đất quanh co lún cát ngày nào giờ đã trở nên khang trang, tạo diện mạo mới cho làng quê.
Con đường vào thôn Từ Nham, xã Xuân Thịnh trước đây đi lại rất vất vả; mùa nắng thì bị lún cát, còn mùa mưa thì lầy lội ở các khu vực trũng. Mới đây, con đường này đã được bê tông xi măng bằng phẳng, mặt đường mở rộng 3 m, xe cộ đi lại rất thuận tiện. Ông Nguyễn Thụ, một người dân thôn Từ Nham vui mừng bày tỏ: “Khi chưa bê tông hóa, con đường vào sâu trong thôn, chỗ gặp cát lún, xe phải xệ bánh; có đoạn lên dốc, đá dăm lởm chởm gập ghềnh, còn giờ đây phẳng phiu thoáng đãng”.
Tại xã Xuân Cảnh, tuyến đường từ mương nuôi trồng thủy sản đến Lăng Ân dài 90 m vừa bê tông xong. Theo thống kê của UBND xã Xuân Cảnh, có gần 100 hộ dân hưởng lợi từ con đường này. Điều đáng nói là những hộ gia đình có nhà, vật kiến trúc trong phạm vi mặt đường đã hiến đất, tự giải tỏa, không đòi hỏi một khoản đền bù nào. Mới đây đề án bê tông giao thông của tỉnh Phú Yên hỗ trợ 100% xi măng, chi phí vận chuyển nên xã Xuân Bình đã bê tông hóa được đoạn đường từ cầu Xuân Bình đến Trường tiểu học số 2 và tuyến từ quốc lộ 1 đi Trường tiểu học Xuân Bình.
Trước đó tại xã Xuân Thọ 1, người dân tự tổ chức thi công tuyến đường rộng 2,5 m, dài 500 m với mức đóng góp mỗi người một công lao động và bình quân tiền mặt 1 triệu đồng/hộ. UBND xã cũng huy động sự hỗ trợ từ dự án KFW6 khoảng 200 triệu đồng để thực hiện 1 tuyến khác dài 500 m. Thực hiện theo đề án bê tông hóa giao thông nông thôn, xã Xuân Thọ 1 tiếp tục đăng ký đổ bê tông 800 m đường trong xã.
Thời gian qua, xã Xuân Lâm cũng làm được gần 200 m đường bê tông nông thôn, hỗ trợ máy móc tạo điều kiện để các hộ tự giải phóng mặt bằng, làm nền đường và thi công gần 200 m đường. Để huy động được nguồn lực, UBND xã Xuân Lâm đưa ra phương thức huy động phù hợp với điều kiện kinh tế, hoàn cảnh mỗi hộ dân. Ông Bùi Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND xã Xuân Lâm cho biết: “Hộ có điều kiện thì vừa góp tiền vừa góp công lao động. Những hộ nghèo chỉ góp công lao động. Đồng thời xã cũng thương thảo với các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tham gia hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn với mức đóng góp hợp lý”.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh Phú Yên, một số xã ở TX Sông Cầu chưa đầu tư tập trung mà dàn trải dẫn đến tiến độ thực hiện bê tông hóa giao thông còn chậm. Theo kế hoạch, năm 2013, TX Sông Cầu bê tông hóa 12,2 km, nhu cầu sử dụng 2.002 tấn xi măng. Thế nhưng vừa qua, một số xã do thiếu nguyên liệu đá dăm (đá 1x2) nên phải hoãn thi công. Vì vậy, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh yêu cầu, các xã phải chủ động tìm nguồn cung cấp vật liệu xây dựng (cát, sạn, đá dăm…) hoặc tạm ứng tại các địa bàn khác để kịp cung ứng vật liệu. Ông Lương Công Tuấn, Phó chủ tịch UBND TX Sông Cầu cho hay, thị xã chỉ đạo quyết liệt các phòng, ban, đoàn thể phải tập trung hướng dẫn các xã thực hiện bê tông hóa giao thông nông thôn theo đăng ký ban đầu. Các xã cần phát huy vai trò làm chủ của người dân từ khâu quản lý thu, chi các khoản đóng góp, lựa chọn hình thức thi công, giám sát, thực hiện, quản lý và sử dụng công trình hiệu quả.
Nguồn: Báo Phú Yên