Thanh Hóa: Những vấn đề cần quan tâm trong xây dựng đường giao thông

Thứ sáu, 30/11/2012 10:07
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Quá trình đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn (GTNT) theo tiêu chí nông thôn mới trong gần 2 năm qua trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ.

Quá trình đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn (GTNT) theo tiêu chí nông thôn mới trong gần 2 năm qua trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ.

Các địa phương triển khai lập quy hoạch phát triển giao thông vận tải (GTVT) trên địa bàn bảo đảm phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội và kết nối với các tuyến đường trong khu vực. Hàng năm, các huyện, thị xã, thành phố cân đối ngân sách để hỗ trợ các xã, thôn, xóm; các huyện miền núi huy động ngày công của nhân dân, lồng ghép các chương trình, dự án để xây dựng đường GTNT. Đồng chí Phạm Hùng Tia, phó bí thư đảng ủy xã Thanh Xuân (Quan Hóa), cho biết: Đường GTNT trên địa bàn xã có chiều dài hơn 30 km, thời gian qua, xã đã lồng ghép các chương trình để cứng hóa được 3 km. Giữa năm 2012, bằng nguồn vốn Chương trình 30a của Chính phủ, xã đang triển khai xây dựng thêm 2 km đường GTNT nối từ Quốc lộ 15 đến bản Éo (vốn đầu tư hơn 3 tỷ đồng). Nguồn vốn xây dựng đường giao thông là rất lớn, trong khi đó số km còn lại chưa cứng hóa nhiều, nhưng được phòng công thương huyện hướng dẫn, nên xã quyết định không làm theo số lượng km nữa, mà tập trung vốn đầu tư xây dựng bảo đảm tiêu chuẩn theo đường giao thông trong tiêu chí xây dựng nông thôn mới, phù hợp với địa hình của địa phương. Tuyến đường được cứng hóa bằng bê tông xi-măng dày 15cm, mặt đường rộng 4m, rãnh thoát nước kè đá và láng bằng xi-măng. Ngoài ra, trong quá trình triển khai xây dựng tuyến đường, nhiều đoạn phải mở rộng, nắn thẳng, các hộ dân bị ảnh hưởng đã hiến hơn 1.000m2 đất và nhiều cây cối.

Không chỉ xã Thanh Xuân được hướng dẫn xây dựng GTNT đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT, mà thời gian qua trong quá trình đầu tư xây dựng đường GTNT, phòng công thương các huyện, thị xã đều tập trung hướng dẫn các xã, thị trấn về kỹ thuật, quy mô, tiêu chuẩn từng loại đường trong tiêu chí xây dựng nông thôn mới; đồng thời, xác định rõ nguồn vốn đầu tư, những tuyến đường cần tập trung đầu tư trước, xây dựng kế hoạch về sự đóng góp của nhân dân và kêu gọi các nguồn lực khác cho đầu tư. Nhiều huyện tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn đối với những công trình đã đưa vào kế hoạch nhưng chưa xác định được nguồn vốn đầu tư thì kiên quyết chưa triển khai xây dựng để hạn chế nợ đọng nguồn vốn đầu tư. Thực tế ở nhiều xã, quá trình tuyên truyền, vận động để xây dựng đường GTNT, các hộ dân bị ảnh hưởng đã hiến đất, cây cối, các công trình phụ trợ, nhà ở. Cán bộ chuyên môn của các huyện hướng dẫn các xã, thị trấn bảo đảm các thủ tục chuẩn bị đầu tư, thiết kế, thanh quyết toán, giám sát quá trình xây dựng. Đồng thời, thực hiện các văn bản pháp quy của Nhà nước về quản lý, xây dựng và bảo dưỡng đường GTNT, bảo đảm hành lang an toàn đường bộ, bảo đảm an toàn giao thông... 10 tháng năm 2012, kinh phí đầu tư xây dựng đường GTNT bằng các nguồn vốn trên địa bàn tỉnh đạt 493,6 tỷ đồng, trong đó kinh phí khuyến khích phát triển GTNT của tỉnh 70 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 157 tỷ đồng; huy động 272.057 ngày công. Kết quả xây dựng mới đường huyện 2,1 km mặt nhựa, xây dựng mới đường xã 11,1 km (nhựa 8,3 km, bê tông xi-măng 1,1 km, cấp phối 1,7 km); cứng hóa mặt đường bằng nhựa và bê tông xi-măng 370,7 km (đường huyện 46,5 km, đường xã 84,2 km, đường thôn bản 240 km). Ngoài ra, nhiều xã thực hiện khảo sát, đánh giá những tuyến đường xây dựng đã lâu, hiện xuống cấp đưa vào kế hoạch để đầu tư nâng cấp, mở rộng theo tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng nông thôn mới.

Vốn đầu tư xây dựng đường GTNT lớn, nên gần 2 năm qua, việc đầu tư đường giao thông thôn, bản chiếm tỷ lệ cao trên tổng số km đã làm được của các địa phương. Tuy đã được hướng dẫn về tiêu chuẩn kỹ thuật nhưng nhiều thôn việc triển khai đầu tư xây dựng vẫn còn gặp khó khăn, lúng túng. Việc huy động đóng góp của nhân dân cao nên phải thu nhiều năm; triển khai kế hoạch xây dựng, lấy ý kiến của nhân dân kéo dài. Căn cứ vào tiêu chuẩn kỹ thuật của đường, số km chưa xây dựng, một số thôn khi đưa ra bàn bạc với số km ít hơn để giảm sự đóng góp và tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Nhưng khi triển khai xây dựng lại quyết định xây dựng hết số km còn lại dẫn đến mặt đường hẹp, độ dày của bê tông xi-măng không bảo đảm theo quy định. Một bộ phận các hộ dân bị ảnh hưởng đã kiến nghị được bồi thường nhưng kinh phí hạn hẹp nên không có mặt bằng để mở rộng hoặc nắn thẳng tuyến đường cần đầu tư xây dựng. Do đường GTNT xây dựng chỉ một làn xe, trong khi đó nhiều điểm cua việc xây dựng không bảo đảm kỹ thuật dẫn đến phương tiện tham gia giao thông gặp nhiều khó khăn. Đã từ lâu, hai bên các tuyến đường ở thôn quê, người dân trồng cây xanh để lấy bóng mát, khi mở rộng đường, cây cối bị chặt hạ, nhưng nhiều địa phương chưa tính toán hết nên đường xây dựng không có lề, mặt đường toàn bê tông xi-măng, vì vậy việc trồng lại cây xanh là hầu như không thể thực hiện được. Cũng do việc nhiều địa phương triển khai xây dựng đường GTNT, trong khi nhiều huyện chỉ có một cán bộ học chuyên ngành giao thông nên không thể hướng dẫn, giám sát trực tiếp ở tất cả các xã, các thôn xóm. Những huyện chưa có cán bộ học chuyên ngành giao thông, phải cử người học chuyên ngành xây dựng, thủy lợi sang phụ trách lĩnh vực giao thông thì còn khó khăn hơn nhiều./.

Theo báo Thanh Hóa

Kim Cúc (Theo báo Thanh Hóa)

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)