Hà Nội: Gian nan phát triển giao thông nông thôn tại Ba Vì

Thứ sáu, 01/02/2013 14:39
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Nhiều năm nay, người dân ở các xã Vân Hòa, Ba Vì, Ba Trại (huyện Ba Vì, Hà Nội) luôn phải sống chung với những con đường mưa bẩn, nắng bụi với đầy rẫy những ổ trâu, ổ voi. Đó cũng là tình trạng chung của hệ thống đường giao thông nông thôn (GTNT) ở nhiều xã miền núi, đã và đang ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện.

Nhiều năm nay, người dân ở các xã Vân Hòa, Ba Vì, Ba Trại (huyện Ba Vì, Hà Nội) luôn phải sống chung với những con đường mưa bẩn, nắng bụi với đầy rẫy những ổ trâu, ổ voi. Đó cũng là tình trạng chung của hệ thống đường giao thông nông thôn (GTNT) ở nhiều xã miền núi, đã và đang ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện.

Bắt tay xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Vân Hòa chỉ đạt 2/19 tiêu chí, là an ninh trật tự và hệ thống chính trị được giữ vững. Thực hiện chương trình xây dựng NTM (giai đoạn 2011-2015), xã xác định nhiệm vụ trước mắt là đầu tư mở rộng, làm mới hệ thống đường GTNT, coi đây là khâu đột phá, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân. Bí thư Đảng ủy xã Vân Hòa Nguyễn Văn Lập cho biết: Đa phần đường GTNT trên địa bàn xã là đường đất nhỏ hẹp, đi lại khó khăn.

Vào mùa mưa, các tuyến giao thông liên thôn như Ghe, Muồng Cháu, Voi, Rùa… bị chia cắt. Sau mỗi trận mưa, xã có hàng chục "điểm đen" giao thông cần sửa chữa, gia cố, thường xuyên phải huy động các đoàn thể, hộ gia đình có xỉ than mang ra trải tạm để bớt lầy lội, song qua một trận mưa đâu lại vào đó... Đến nay, sau khi công bố quy hoạch 20 tuyến đường GTNT trên địa bàn, đã có 80% số hộ có ý kiến sẵn sàng hiến đất làm đường. Hầu hết các thôn đã có đơn xin được tự nguyện hiến đất và tự bỏ kinh phí tháo dỡ cây cối, tường rào, công trình phụ để có mặt bằng sạch cho các đơn vị thi công. Tuy nhiên, là xã có 70% dân số là người dân tộc Mường, trên 20% số hộ nghèo, đời sống của người dân phụ thuộc hoàn toàn vào sản xuất nông nghiệp nên kinh phí làm đường vẫn rất cần có sự hỗ trợ từ Nhà nước.

Tương tự, Ba Trại là xã có địa bàn rộng với 2.017ha đất tự nhiên, có 9 thôn, 1 cụm dân cư, hơn 100km đường GTNT nhưng mới chỉ khoảng 14km được trải nhựa bê tông. Toàn bộ các tuyến đường liên thôn, nội thôn, nội xóm là đường đất. Nhiều tuyến đường được coi là "trục xương sống" như tuyến liên thôn chạy qua các thôn 5, 8, 9 đã xuống cấp, sụt lún, trơn trượt, ổ trâu, ổ voi... Con đường nối giữa trục đường 413 đến các trường mầm non, trường cấp I, cấp II xã Ba Trại được xem là tuyến đường huyết mạch để phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục cũng đang chịu chung số phận.

Do đặc thù dân cư nơi đây sống thưa thớt, nhiều tuyến đường nội thôn dài hàng trăm mét nhưng chỉ có 1-2 hộ sinh sống. Ba Trại lại có địa hình không bằng phẳng, đường giao thông dài gấp nhiều lần so với các xã đồng bằng nên việc cứng hóa đường cũng tốn nhiều kinh phí hơn. Thực hiện đề án xây dựng NTM, địa phương đã có chủ trương huy động mọi nguồn kinh phí để thực hiện bê tông hóa hệ thống GTNT. Người dân nơi đây cũng rất đồng tình ủng hộ, sẵn sàng hiến đất, công lao động. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách của địa phương rất hạn hẹp nên xã không thể đáp ứng đủ khả năng xây mới những tuyến đường được.

Theo ông Trần Quang Quyên, Phó phòng Kinh tế - Đô thị huyện Ba Vì: Huyện đặt mục tiêu đến năm 2015 tỷ lệ cứng hóa GTNT trên địa bàn huyện đạt 45% và hết năm 2012 tỷ lệ này mới đạt hơn 36%. Các xã có tỷ lệ đường GTNT cứng hóa thấp như: Ba Trại được 12%, xã Ba Vì (26%), xã Minh Quang (24%), xã Tản Lĩnh (35%), Yên Bài (20%), Vân Hòa (27%)... Do vậy, mục tiêu sớm về đích trong xây dựng NTM về tiêu chí GTNT đối với các xã này từ nay đến năm 2015 vẫn còn khá xa.

Nguồn: Báo Hà Nội mới

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)