Bài toán khó khăn trong thực hiện tiêu chí số 2 về giao thông, thuỷ lợi đã có hướng tháo gỡ nhờ các chính sách hỗ trợ của thành phố tại Đề án hỗ trợ xi măng xây dựng đường giao thông nội đồng trên địa bàn thành phố Hải Phòng, giai đoạn 2013 - 2020.
Bài toán khó khăn trong thực hiện tiêu chí số 2 về giao thông, thuỷ lợi đã có hướng tháo gỡ nhờ các chính sách hỗ trợ của thành phố tại Đề án hỗ trợ xi măng xây dựng đường giao thông nội đồng trên địa bàn thành phố Hải Phòng, giai đoạn 2013 - 2020.
Nhiều địa phương đón trước cơ chế hỗ trợ này bằng việc vận động nhân dân hiến đất mở rộng đường ra đồng, ra vùng sản xuất, tạo cốt nền đường đất rộng 5-6 m. Tuy nhiên, trong khi chờ cơ chế hỗ trợ được hiện thực hóa, nhiều địa phương vẫn có băn khoăn.
Cánh đồng Sậy diện tích 41 ha, thuộc thôn 4 và thôn 7 xã Kiến Quốc (Kiến Thụy) thoáng rộng, hình thành những con đường đất nội đồng ngang, dọc, mặt đường rộng đến 6m, cùng với đó, hệ thống mương tiêu úng cũng được đào hoàn chỉnh. Chủ tịch UBND xã Đào Văn Lập cho biết: “Đối với vùng đồng Sậy này, Kiến Quốc quy vùng cánh đồng mẫu lớn (CĐML) thành 12 ô bàn cờ, không để bờ vùng, bờ thửa giữa các hộ, cánh đồng thẳng cánh cò bay, bao quanh là hệ thống kênh thủy lợi và các tuyến đường ra đồng mở rộng 4-5 m do nông dân hiến đất làm đường. Tại các khu vực cánh đồng đã chia ô, xã đặt ống bi làm thùng chứa rác thải nông nghiệp. Từ nay đến cuối năm, xã Kiến Quốc quyết tâm đào đắp đường giao thông nội đồng, mương tưới tiêu 5 xứ đồng, mỗi tuyến đường ra đồng bề rộng 5 m, tạo cốt nền chắc chắn, chờ cơ chế của thành phố hỗ trợ xi măng làm đường ra đồng, đường ra khu sản xuất”.
Cả xã Kiến Quốc nay đi đâu, làm gì ai cũng sôi nổi bàn tới việc hiến đất mở rộng đường ra vùng sản xuất. Cán bộ lãnh đạo xã thay nhau trực bám máy, bám đồng để chỉ đạo đắp đường, đào mương đúng quy hoạch. Để các hộ dân đồng tình ủng hộ đóng góp công sức, hiến đất mở rộng đường ra đồng, Đảng ủy xã có nghị quyết chuyên đề về vận động nhân dân hiến đất mở đường, quy hoạch lại đồng ruộng, vùng sản xuất tập trung. UBND xã cụ thể hoá bằng kế hoạch khả thi. Kế hoạch và phương án vận động nhân dân được đưa về các xóm để người dân thảo luận dân chủ, chỗ nào nhân dân chưa hiểu, cán bộ trực tiếp giải thích, cán bộ, đảng viên gương mẫu tích cực đi đầu. Nhờ vậy, chỉ tính trong năm qua, người dân trong xã hiến 18.103 m2 đất để mở rộng đường ra đồng. Bà con đang rất hào hứng chờ đón cơ chế hỗ trợ xi măng xây dựng đường nội đồng của thành phố.
Phong trào vận động nhân dân hiến đất mở rộng đường ra đồng, đường ra khu sản xuất tập trung sôi nổi ở nhiều địa phương khác. Trong 2 năm qua, toàn thành phố vận động nhân dân hiến đất và chuyển đổi hơn hơn 3000 nghìn m2 đất nông nghiệp, để cải tạo, nâng cấp đường trục chính nội đồng và kênh mương. Nhiều địa phương chủ động mặt bằng, tạo cốt nền, mở rộng đường ra đồng, đón trước cơ chế hỗ trợ xi măng để bê tông hóa đường ra đồng, đường sản xuất của thành phố.
Ông Đoàn Văn Lập, Phó chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy cho rằng: “Các địa phương rất phấn khởi khi UBND thành phố vừa có quyết định phê duyệt Đề án hỗ trợ xi măng xây dựng đường giao thông nội đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hải Phòng, giai đoạn 2013 – 2020. Theo đó, thành phố sẽ hỗ trợ 664 triệu đồng/ km đường giao thông nội đồng , trong đó, bình quân hỗ trợ 182,3 tấn xi măng cho 1km đường. Giai đoạn 1 (2012-2015), thành phố hỗ trợ xi măng cứng hoá 100% đường giao thông nội đồng cho 41 xã đăng ký đạt xã NTM vào năm 2015. Tuy nhiên, thành phố mới có chủ trương hỗ trợ xi măng cho đường nội đồng, các vật liệu chính khác như cát, sỏi, đá địa phương tự lo nên các địa phương đều lo lắng vì sẽ quá sức. Các địa phương cũng mong thành phố có cơ chế riêng và hướng dẫn cụ thể sao cho đơn giản thủ tục quyết toán cho công trình được hỗ trợ. Bởi cứ theo quy định và trình tự thủ tục xây dựng cơ bản như hiện nay thì chắc chắn việc xây dựng đường theo cơ chế hỗ trợ của thành phố sẽ rất khó khăn, tiến độ chậm. Nếu kéo dài quá lâu không được hưởng cơ chế hỗ trợ xi măng, ở nhiều nơi người dân sẽ có thắc mắc, giảm sự hứng khởi thực hiện việc bê tông hóa đường sản xuất, vì bà con đã sẵn sàng, hồ hởi hiến đất cho địa phương từ rất sớm”. Lãnh đạo các huyện An Lão, Vĩnh Bảo cũng cho rằng đối với các công trình thực hiện theo phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm” cũng phải có sự đơn giản hóa về thủ tục.
Trong lúc chờ các ngành của thành phố cụ thể hóa cơ chế hỗ trợ này, các địa phương nên có sự linh hoạt trong thực hiện. Chính quyền cơ sở có thể đề xuất với thành phố cho phép xây dựng các phương án để có thể tổ chức khai thác nguồn vật liệu tại chỗ tạo nguồn lực đối ứng với Nhà nước làm đường giao thông. Các địa phương cần tiếp tục triển khai quy hoạch đường giao thông nông thôn phải bảo đảm đúng các tiêu chí đề ra. Sau đó, các địa phương thực hiện cắm mốc giới theo quy hoạch, vận động nhân dân hiến đất làm đường, tạo sẵn cốt nền rồi triển khai kiên cố hóa sau. Về việc làm bê tông mặt đường, đối với những xã khó khăn, hạn chế nguồn lực đối ứng thì trước mắt (gọi tạm là giai đoạn 1) có thể không nhất thiết phải bảo đảm đúng diện tích bề rộng mặt đường theo quy định để có điều kiện hoàn thành toàn tuyến, tránh “xôi đỗ”, dở dang giữa chừng. Tất nhiên, về quy hoạch nền đường, rãnh thoát nước, lề đường vẫn phải bảo đảm theo tiêu chí mới. Việc giải phóng mặt bằng, đối ứng thi công, chính quyền địa phương phải tích cực vận động người dân hiến đất, ủng hộ ngày công, vật liệu theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, tranh thủ tối đa sự đồng thuận của bà con để có thể sớm hoàn thành tiêu chí này khi có cơ chế hỗ trợ mang tính cú hích của thành phố.
Nguồn: Báo Hải Phòng