Giao thông nông thôn của Lạng Sơn có xuất phát điểm và kết cấu hạ tầng còn thấp kém, nhất là đường đến các xã, thôn vùng sâu, khu vực biên giới.
Giao thông nông thôn (GTNT) của Lạng Sơn có xuất phát điểm và kết cấu hạ tầng còn thấp kém, nhất là đường đến các xã, thôn vùng sâu, khu vực biên giới. Trước năm 2008, tỷ lệ các xã có đường ô tô đến trung tâm đi lại được 4 mùa đạt 81,8% và tỷ lệ cứng hóa đường giao thông nông thôn mới đạt được khoảng 21%. Từ thực trạng này, trong nhiều năm qua Lạng Sơn luôn ưu tiên các nguồn lực, xây dựng cơ chế, chương trình, kế hoạch nhằm từng bước cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông khu vực nông thôn. Nhờ vậy từ năm 2008 đến nay, công tác phát triển đường GTNT của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Đặc biệt là đường trục xã, trục thôn ngày càng được cứng hóa với tốc độ tăng khá cao do có sự tham gia tích cực của người dân.
Theo số liệu của Sở GTVT Lạng Sơn, giai đoạn 2008-2013, công tác huy động nguồn lực để đầu tư cho hạ tầng giao thông nông thôn toàn tỉnh đạt trên 750 tỷ đồng. Trong đó nguồn lực do nhân dân đóng góp bằng tiền, vật liệu, ngày công đạt trên 230 tỷ đồng. Giai đoạn này tỉnh đã cải tạo, nâng cấp được 21 tuyến đường đến trung tâm xã; cải tạo, mở mới 332 tuyến đường đến thôn; đường huyện được cứng hóa tăng từ 13,2% lên 30%. Nhờ thực hiện lồng ghép nhiều nguồn vốn, các tuyến đường trục thôn, xóm đã được cứng hóa tăng từ 13,2% năm 2008 lên 19,8% năm 2013. Đặc biệt với cơ chế Nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân tự làm, trong 5 năm qua, tỉnh đã hỗ trợ các địa phương được gần 100 nghìn tấn xi măng. Từ đó nhân dân các địa phương trong tỉnh đã làm được gần 1.000 km đường bê tông xi măng để nâng tổng số mặt đường bê tông xi măng toàn tỉnh lên trên 2.300km. Để có mặt bằng làm các tuyến đường trục xã, trục thôn, nhân dân đã tự hiến đất trên 760 nghìn m2 đất, góp phần nâng tỷ lệ cứng hóa các tuyến đường trục xã, thôn đạt gần 20% trên phạm vi toàn tỉnh. Nhiều địa phương trên địa bàn đã có phong trào bê tông hóa GTNT phát triển như xã Mai Pha (thành phố Lạng Sơn), xã Bắc Sơn (Bắc Sơn), Sơn Hà (Hữu Lũng), Tân Mỹ (Văn Lãng)... Không những vậy, nhiều nhóm hộ gia đình đã có những cách làm táo bạo trong việc đầu tư cải thiện điều kiện đi lại trong khu vực như nhóm hộ thuộc thôn Bản Châu - một thôn còn nhiều khó khăn thuộc xã Tân Tiến (Tràng Định). Chỉ trong vòng 3 năm, từ 2010 đến hết năm 2012, bà con thôn Bản Châu đã góp công góp của xây dựng 3 cây cầu bê tông xi măng bắc qua sông Bắc Khê trị giá khoảng 800 triệu đồng. Trước sự đóng góp của nhân dân thôn Bản Châu trong việc gây dựng phong trào làm cầu hiệu quả, đầu năm 2013, đích thân Chủ tịch UBND huyện Tràng Định đã ký quyết định và trực tiếp đến tận thôn thưởng nóng cho bà con 20 triệu đồng nhằm khích lệ phong trào.
Đánh giá về thực hiện chương trình phát triển giao thông nông thôn 5 năm qua, ông Nguyễn La Thông, Giám đốc Sở GTVT Lạng Sơn đã khẳng định, phong trào phát triển đường GTNT có được kết quả như ngày hôm nay, bên cạnh những cơ chế chính sách do Đảng, Nhà nước đề ra đúng đắn, phù hợp với thực tiễn, ngoài sự tham gia của các cấp, ngành thì chính sự hưởng ứng tích cực của những người dân đã làm cho các chủ trương ấy đi vào cuộc sống./.
Nguồn: Báo Lạng Sơn