Mới đây, UBND tỉnh Hậu Giang đã tổ chức hội nghị biểu dương 10 xã, thị trấn điển hình tiên tiến trong phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2008 - 2013. Đây chính là sự ghi nhận thành tích, cũng là phần thưởng xứng đáng đối với những đơn vị đã nỗ lực đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống đường nông thôn trong thời gian qua.
Mới đây, UBND tỉnh Hậu Giang đã tổ chức hội nghị biểu dương 10 xã, thị trấn điển hình tiên tiến trong phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2008 - 2013. Đây chính là sự ghi nhận thành tích, cũng là phần thưởng xứng đáng đối với những đơn vị đã nỗ lực đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống đường nông thôn trong thời gian qua.
Đáng kể là trong số 10 xã, thị trấn thuộc 7 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Hậu Giang được biểu dương có không ít xã nằm ở khu vực vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Nhưng tất cả đều có chung mục tiêu là tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn hoàn chỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới.
Phương Phú là xã vùng sâu, vùng xa, cách trung tâm huyện Phụng Hiệp 21 km. Địa bàn xã có hệ thống kênh rạch chằng chịt nên vấn đề xây dựng hệ thống cầu đường nông thôn đòi hỏi mất nhiều thời gian và kinh phí. Vì thế, những năm gần đây, xã luôn tận dụng mọi nguồn vốn đầu tư của huyện, kết hợp với giải pháp tự thân vận động của địa phương thông qua tuyên truyền, vận động cả cộng đồng cùng tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Đặc biệt là trong giai đoạn 2012 - 2013, xã đã triển khai thực hiện được 11 km lộ theo tiêu chí nông thôn mới với kinh phí hơn 6,3 tỉ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 1,5 tỉ đồng. Chưa tính 4 cây cầu bê tông, với kinh phí thực hiện hơn 700 triệu đồng hoàn toàn từ nguồn vốn vận động tài trợ của mạnh thường quân. Theo UBND xã Phương Phú, đến nay hệ thống giao thông nông thôn của xã đã cơ bản hoàn chỉnh. Đó là nhờ tranh thủ mọi nguồn lực hỗ trợ từ huyện, tỉnh, cũng như xây dựng mối quan hệ phối hợp mật thiết và kêu gọi nhân dân, doanh nghiệp, mạnh thường quân tích cực tham gia đóng góp công sức, tiền của vào quá trình xây dựng cầu đường đồng bộ tại địa phương.
Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Hậu Giang Lê Văn Năm đánh giá, trong quá trình thực hiện, các địa phương đều biết phát huy tốt quy chế dân chủ cơ sở, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; kể cả phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Các địa phương đã tổ chức tuyên truyền, vận động sâu rộng trong quần chúng nhân dân hiểu rõ về ý nghĩa, quy mô công trình và mức đóng góp cụ thể. Từ đó đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng mạnh mẽ từ phía nhân dân, lẫn các doanh nghiệp, nhà tài trợ tham gia xây dựng. Đã có nhiều tuyến đường, cây cầu được xây dựng mới tạo điều kiện kết nối lưu thông ngày càng thông suốt.
Xã Đại Thành là địa phương duy nhất của thị xã Ngã Bảy nằm trong nhóm 10 xã, thị trấn được tỉnh Hậu Giang biểu dương đơn vị điển hình tiên tiến trong phát triển giao thông nông thôn giai đoạn năm 2008 - 2013. Đây không chỉ là niềm vinh dự, mà còn là động lực giúp cho xã tích cực triển khai thực hiện hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng giao thông xã nông thôn mới trong thời gian tới. Tuy nhiên, trước mắt là khẳng định thành tựu nổi bật của quá trình nỗ lực đầu tư xây dựng giao thông nông thôn trong vòng 5 năm trở lại đây, nhất là khơi dậy tiềm năng phát triển kinh tế cho những khu vực khó khăn trên địa bàn.
Theo ông Dương Văn Giang, Chủ tịch UBND xã Đại Thành, đến nay, các tuyến đường liên ấp cơ bản được nâng cấp, mở rộng. Phần lớn mặt đường được trải nhựa đảm bảo việc đi lại và giao thương hàng hóa của nhân dân trên địa bàn xã, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn đổi thay rõ rệt so với trước đây. Tuy nhiên, với mục tiêu gắn kết việc quy hoạch phát triển giao thông nông thôn với quy hoạch phát triển nông thôn mới trong giai đoạn 2011 - 2015, Đại Thành sẽ tiếp tục tập trung xây dựng hệ thống đường nông thôn trên toàn xã cứng hóa 100% theo tinh thần Nghị quyết của Thị ủy Ngã Bảy đề ra.
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trần Công Chánh cho rằng, thông qua phong trào xây dựng giao thông nông thôn trong thời gian qua, tỉnh đã ghi nhận được tinh thần, trách nhiệm của người dân trong việc tham gia xây dựng quê hương, làng xóm. Nổi bật là có nhiều người dân tích cực hiến đất, hoa màu và ngày công lao động để xây dựng cầu, đường ở địa phương. Tất cả đã đóng góp rất quan trọng vào mục tiêu hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
Nguồn: Báo Hậu Giang