Xác định giao thông phải đi trước một bước để tạo điều kiện cho các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển, UBND tỉnh Lai Châu đã phê duyệt Đề án Phát triển giao thông thông nông thôn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2011-2015.
Xác định giao thông phải đi trước một bước để tạo điều kiện cho các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển, UBND tỉnh Lai Châu đã phê duyệt Đề án Phát triển giao thông thông nông thôn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2011-2015.
Theo đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, trong đó 90% xã có đường ô tô đi lại được 4 mùa; 80% thôn bản có đường ô tô, xe máy đi lại thuận tiện. Với sự nỗ lực của các địa phương, cùng các cấp các ngành, đến nay hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh đã từng bước được đẩy mạnh đầu tư xây dựng mở mới, cải tạo và nâng cấp. Mạng lưới giao thông đang từng bước phát triển, cơ bản đáp ứng được yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh.
Xác định làm đường giao thông nông thôn là cơ sở để thực hiện tốt các tiêu chí khác trong xây dựng nông thôn mới nên cấp uỷ, chính quyền thị trấn Than Uyên, huyện Than Uyên đã tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, để huy động sức dân tham gia làm đường giao thông nông thôn, thị trấn đã chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động và quán triệt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước tới người dân, tạo sự thống nhất cao trong quá trình triển khai thực hiện. Công tác duy tu, bảo dưỡng đường giao thông nông thôn được triển khai thực hiện thường xuyên. Trong quá trình triển khai, các khu dân cư đã tự thành lập tổ tự quản, giám sát và thi công, vì vậy chất lượng các công trình xây dựng trên đại bàn đều đảm bảo tiến độ, chất lượng. Tính đến nay, 100% đường nội thị và đường trục chính, đường nhánh lẻ của 13 khu dân cư trên địa bàn thị trấn Than Uyên đã được trải nhựa và đổ bê tông. Thị trấn Than Uyên là một trong những địa phương dẫn đầu tỉnh về phong trào làm đường giao thông nông thôn năm 2012 và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Cùng với thị trấn Than Uyên, nhiều địa phương trong tỉnh cũng đang tích cực vận động nhân dân tham gia làm đường giao thông nông thôn theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Xây dựng, nâng cấp đường giao thông nông thôn là phù hợp với nguyện vọng của người dân, nên phong trào đã được đông đảo người dân nhiệt tình hưởng ứng. Ở nhiều địa phương, việc hiến đất, tài sản để làm đường giao thông trở thành phong trào có sức lan tỏa mạnh…
Tính đến 7/2013, toàn tỉnh có trên 3.000km đường giao thông nông thôn, trong đó đã cứng hóa mặt đường được gần 800km, tập trung ở các huyện: Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường và thị xã Lai Châu. Hiện toàn tỉnh có 93/96 xã đã có đường ô tô đi đến trung tâm; 830 thôn bản có đường xe máy đi lại thuận tiện. Xác định phát triển giao thông nông thôn để tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đề ra, các ngành chức năng, chính quyền địa phương đang huy động mọi nguồn vốn đầu tư, kết hợp lồng ghép các chương trình mục tiêu để xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn; kết hợp chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với chương trình hỗ trợ Nhà nước và nhân dân cùng làm….
Tuy nhiên trong quá trình triển khai công tác làm đường giao thông nông thôn ở tỉnh cũng gặp phải một số khó khăn như: Nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thông giao thông nông thôn còn hạn chế, việc huy động đóng góp từ phía doanh nghiệp, nhân dân ở một số địa phương còn khó khăn; tại một số địa phương việc giải phóng mặt bằng để lấy đất làm đường còn gặp nhiều bất cập; công tác bảo trì, bảo dưỡng đường giao thông nông thôn chưa được chú trọng, nguồn kinh phí không có, chủ yếu huy động nhân dân nơi có tuyến đường đi qua tham gia.
Ông Đoàn Đức Long - Giám đốc Sở GTVT Lai Châu cho biết: Để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đạt mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đề ra, thời gian tới tỉnh sẽ tập trung tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị, xã hội trong công tác phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn. Lựa chọn danh mục các tuyến đường giao thông nông thôn ưu tiên đầu tư, đầu tư có hiệu quả, tránh chồng chéo; các tuyến đường trước khi lập dự án đầu tư phải thống nhất về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật theo đúng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Căn cứ theo yêu cầu kỹ thuật, yêu cầu khai thác để chọn kết cấu mặt đường cho hợp lý. Khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, ưu tiên sử dụng vật liệu mới, tận dụng triệt để vật liệu hiện có tại địa phương để giảm giá thành xây dựng và huy động các nguồn lực đóng góp của nhân dân. Thường xuyên duy tu, bảo dưỡng các tuyền đường để khai thác có hiệu quả tối đa của từng tuyến đường./.
Nguồn: Báo Lai Châu