Sau gần 3 tháng ra quân đến nay, huyện Châu Thành, Hậu Giang đã xây dựng nhiều công trình đê bao khép kín gắn kết lộ giao thông nông thôn và trồng cây xanh phục vụ đắc lực phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của người dân.
Sau gần 3 tháng ra quân đến nay, huyện Châu Thành, Hậu Giang đã xây dựng nhiều công trình đê bao khép kín gắn kết lộ giao thông nông thôn và trồng cây xanh phục vụ đắc lực phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của người dân.
Một trong những điểm mới, khẳng định thành công của Chiến dịch giao thông - thủy lợi năm 2013 này là thực hiện lồng ghép công tác trồng cây xanh, tạo cảnh quan dọc theo các tuyến đường và trồng cây chống sạt lở ven các kênh. Đặc biệt, huyện đã linh hoạt vận dụng thực hiện theo hình thức xã hội hóa công tác trồng cây xanh phân tán (cây giống 100% của doanh nghiệp), ngoài số lượng cây xanh được trồng theo chỉ tiêu của tỉnh. Đồng thời, vận động nhân dân ươm, trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh trước nhà ven đường giao thông. Tất cả vì mục tiêu phấn đấu năm nay của huyện là phải đạt được 70% cây xanh trên các tuyến đường và 30% cây chống sạt lở trên các tuyến kênh.
Với đặc thù hệ thống sông rạch chằng chịt, nên Châu Thành được xem là huyện có lợi thế sản xuất nông nghiệp, nhất là trồng cây ăn trái. Song, điều này cũng gây không ít trở ngại trong việc đầu tư xây dựng đê bao chống lũ, phòng chống sạt lở, bảo vệ ruộng vườn và dân cư. Từ thực tế đó, kể từ khi chia tách, huyện đã tập trung đầu tư xây dựng hệ thống đê bao, cống đập khép kín, đất sản xuất; nâng cấp, gia cố thêm mặt cứng bằng bê tông, thảm nhựa dọc theo các tuyến dân cư phân bố cặp bên bờ đê trở thành lộ giao thông.
Theo kết quả thống kê, rà soát của các ngành chức năng huyện Châu Thành cho thấy, toàn huyện có trên 410km đường nông thôn, tương ứng với 190 tuyến đê bao. Trong đó có khoảng 183km đường, tương ứng với 100 tuyến đã được phủ mặt cứng bằng bê tông và nhựa. Còn lại gần 230km đê bao cần tiếp tục đầu tư xây dựng thêm mặt cứng.
Mặt khác, nếu xét về hệ thống giao thông đạt tiêu chí nông thôn mới (NTM) thì khá khiêm tốn. Khi mà hầu hết các tuyến đường nông thôn được đầu tư xây dựng trong thời gian qua đều có mặt đường rộng 2m, còn lộ ðạt chuẩn, với mặt rộng 3-3,5m hiện có khoảng 15km. Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Nguyễn Vãn Phiên cho biết, chiến dịch nãm nay, ngoài việc xây dựng mới các công trình đáp ứng theo tiêu chí NTM, huyện vẫn đẩy mạnh giải pháp làm thủy lợi khép kín kết hợp với giao thông nông thôn bằng cách vận động người dân nâng cấp, mở rộng, nâng cao trình mặt đê đồng bộ, chuẩn bị sẵn nền hạ đạt tiêu chí NTM chờ nguồn vốn bố trí hoàn thiện mặt cứng sau này.
Do hạ tầng thủy lợi của xã đã khép kín, đạt tiêu chí NTM nên bước vào chiến dịch này, xã Đông Thạnh chỉ tập trung tuyên truyền, vận động người dân hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc, tiền của để nâng cấp, mở rộng nền hạ 3 công trình giao thông trước khi Nhà nước trải đá cấp phối, thảm bê tông với chiều dài khoảng 3,6km, có mặt rộng 2,5-3,5m. Bên con lộ nông thôn vừa được đắp ta-luy, bơm cát nền hạ chuẩn bị trải bê tông, ông Nguyễn Văn Tuế, ở ấp Thạnh Thới cảm thấy ấm lòng với sự đóng góp đất đai, tiền của để làm nên công trình đê bao chống lũ kết hợp với giao thông, dài 1,2km cặp bên tuyến kênh Cái Chanh - Cái Muồng.
Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình khoảng 7,1 tỉ đồng, trong đó Nhà nước đầu tư mặt cứng khoảng 3,1 tỉ đồng, còn lại do nhân dân đóng góp. Ông Tuế chia sẻ: “Trước đây, con lộ nhựa được đầu tư xây dựng nhiều năm vốn đã chật hẹp, xuống cấp, đi lại bất tiện đã đành, nhưng vào mùa nước nổi, nhiều đoạn đường nước lũ tràn vào nhà. Vì thế, con lộ được nâng cao trình lên 5 tấc, mở rộng ra 3,5m hoàn chỉnh, lại được trồng hoa kiểng, tạo cảnh quan thông thoáng, sạch đẹp thì còn gì bằng”. Theo ông Nguyễn Văn Ba Na, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Thạnh, để thực hiện hoàn thành tiêu chí giao thông NTM vào năm 2015, đòi hỏi huyện, tỉnh quan tâm bố trí vốn đầu tư xây dựng thêm khoảng 20km đường nông thôn.
Tính đến nay, các địa phương trên địa bàn huyện Châu Thành đã thực hiện khối lượng phần đường đạt trên 61% kế hoạch; phần cầu đạt trên 95% kế hoạch; thủy lợi đạt trên 91% kế hoạch; số lượng trồng cây xanh vượt trên 112% chỉ tiêu của tỉnh, chưa kể là đạt 100% chỉ tiêu trồng cây chống sạt lở của tỉnh giao.
Ông Nguyễn Văn Phiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho rằng, trong điều kiện nguồn vốn khó khăn, hạn chế, huyện sẽ tranh thủ thực hiện lồng ghép các nguồn vốn như ngân sách, cấp bù thủy lợi phí… kết hợp với nguồn lực đóng góp từ nhân dân, doanh nghiệp để triển khai xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi và trồng cây xanh có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, có việc ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng giao thông, thủy lợi cho các xã điểm NTM của huyện, cũng như của tỉnh.
Theo Ban chỉ đạo chiến dịch huyện, chưa đầy 3 tháng qua, các địa phương trên địa bàn đã triển khai thực hiện Chiến dịch giao thông nông thôn - thủy lợi mùa khô và trồng cây năm 2013 đạt khối lượng theo kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, Ban chỉ đạo tiếp tục yêu cầu các xã, thị trấn đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu đến ngày 30/4 cơ bản hoàn thành và vượt các chỉ tiêu chiến dịch.
Nguồn: Báo Hậu Giang