Mục tiêu huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) đặt ra đến năm 2015, toàn huyện kiên cố hóa 100% tuyến đường ô tô đến trung tâm xã; 50% đường đến các thôn, bản khu vực lòng chảo và 20% đến các thôn, bản vùng ngoài. Bằng nhiều nguồn vốn đầu tư, huyện Điện Biên đã từng bước cải tạo, mở mới nhiều tuyến giao thông nông thôn (GTNT), vừa góp phần thực hiện 1 trong 19 tiêu chí của chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Mục tiêu huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) đặt ra đến năm 2015, toàn huyện kiên cố hóa 100% tuyến đường ô tô đến trung tâm xã; 50% đường đến các thôn, bản khu vực lòng chảo và 20% đến các thôn, bản vùng ngoài. Bằng nhiều nguồn vốn đầu tư, huyện Điện Biên đã từng bước cải tạo, mở mới nhiều tuyến giao thông nông thôn (GTNT), vừa góp phần thực hiện 1 trong 19 tiêu chí của chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Theo ông Tống Minh Sáng, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên, trên thực tế do nguồn lực dành cho phát triển GTNT trên địa bàn huyện rất hạn chế. Đơn cử, như năm 2012, 2013, mỗi năm huyện chỉ được cấp 2 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp đảm bảo giao thông. Như vậy là quá hạn hẹp so với nhu cầu nên huyện chỉ ưu tiên đầu tư vào những địa bàn khó khăn nhất, những đoạn đường xung yếu để đảm bảo giao thông cho nhân dân. Bên cạnh đó, với sự quan tâm của tỉnh, từ nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung, huyện đã được đầu tư một số tuyến đường, như: Quốc lộ 279 - Bồ Hóng (xã Thanh Xương); đường Thanh Bình – Hua Pe (xã Thanh Luông)… Nhờ thế mà hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn ngày càng được hoàn thiện hơn. Đến nay, toàn huyện có 828km đường các loại; trong đó có 96km quốc lộ, 24km tỉnh lộ cơ bản đã được nhựa hóa. Trong số 254km đường huyện thì mới có 82% tổng số đường được kiên cố hóa, đá dăm và rải cấp phối khá thuận lợi cho nhân dân đi lại. Huyện có 467km đường liên thôn, bản, song mới có khoảng 20% được kiên cố hóa, còn lại là đường đất. Riêng đường GTNT khu vực lòng chảo đã kiên cố hóa đạt trên 50%. Còn với các xã vùng ngoài, chỉ 10% tổng số đường liên thôn, bản được bê tông hóa, rải nhựa. Đường đến trung tâm các xã đã được rải nhựa, bê tông hóa khá thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương, dịch vụ phát triển. Sau khi chia tách, thành lập mới 6 xã, nâng tổng số xã trong toàn huyện lên 25 xã, hiện còn xã Hẹ Muông (tách ra từ Núa Ngam) đường vào trung tâm xã còn là đường đất, chưa được đầu tư.
Nhằm hoàn thiện hệ thống đường giao thông, phấn đấu đạt mục tiêu , ngoài việc tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành đẩy nhanh tiến độ đầu tư nâng cấp, cải tạo tuyến Quốc lộ 12, Quốc lộ 279, huyện Điện Biên tiếp tục kêu gọi đầu tư nâng cấp các tuyến đường vào các điểm tham quan khu du lịch sinh thái Pa Khoang (xã Pa Khoang); đường vào các bản văn hóa, các khu du lịch trên địa bàn. Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư GTNT từ nguồn vốn của các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng cao; ổn định dân cư biên giới Việt – Lào; chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Duy tu bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường liên xã, liên thôn bản. Bố trí nguồn vốn đối ứng để triển khai thí điểm cho việc kiên cố hóa một số tuyến giao thông từ quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ, xã lộ, liên xã, liên thôn bản với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Tùy theo từng vùng nhân dân đóng góp từ 10 - 30% trong tổng mức đầu tư cho từng công trình, dự án cụ thể.
Để cụ thể hóa nhiệm vụ phát triển GTNT, Kỳ họp thứ 7, HĐND huyện Điện Biên Khóa XIX được tổ chức vào cuối năm 2013 đã ban hành Nghị quyết số 15 thông qua việc áp dụng quy mô kỹ thuật và hình thức đầu tư xây dựng đường GTNT tại các thôn, bản giai đoạn 2014 - 2018 trên địa bàn huyện. Theo đó, nhân dân tự tổ chức triển khai thi công công trình; quản lý, sử dụng và duy tu bảo dưỡng. Nguồn vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ các loại vật liệu chính để đầu tư xây dựng công trình, như: đá dăm, xi măng; cống qua đường bằng bê tông theo tiêu chuẩn. Còn lại nhân dân tự nguyện đóng góp vật liệu đó là cát, nhân công, giải phóng mặt bằng; hệ thống rãnh thoát nước nền đường dọc hai bên và các loại vật liệu khác. Với cách làm sáng tạo, cụ thể và được sự đồng thuận từ phía nhân dân, hệ thống đường GTNT trên địa bàn huyện sẽ sớm được hoàn thành thuận lợi cho nhân dân đi lại, giúp thương mại, dịch vụ phát triển, cải thiện cuộc sống.
Theo Báo Điện Biên Phủ