Tuyên Quang đã chọn việc bê tông hóa đường giao thông nông thôn (GTNT) làm khâu đột phá trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Theo kế hoạch trong 5 năm (2011 - 2015) toàn tỉnh sẽ làm 2.183,88km. Đến hết năm 2013 các địa phương đã làm trên 1.800km, đạt trên 84% kế hoạch 5 năm.
Tuyên Quang đã chọn việc bê tông hóa đường giao thông nông thôn (GTNT) làm khâu đột phá trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Theo kế hoạch trong 5 năm (2011 - 2015) toàn tỉnh làm 2.183,88km. Đến hết năm 2013 các địa phương đã làm trên 1.800km, đạt trên 84% kế hoạch 5 năm.
Nhiều xã có tỷ lệ đường bê tông gần khép kín như: Mỹ Bằng, Nhữ Hán (Yên Sơn); An Khang, An Tường, Đội Cấn, Tràng Đà (TP Tuyên Quang); Sơn Nam, Cấp Tiến, Tân Trào, Đại Phú (Sơn Dương…
Xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) là điểm sáng bê tông hóa đường giao thông thôn, bản của tỉnh. Trong 3 năm (2011 - 2013) xã đã làm được 116 km, đạt gần 88% chiều dài đường thôn bản, đảm bảo chất lượng với các yếu tố về kỹ thuật, mỹ thuật. Năm 2010, tiến hành rà soát mạng lưới giao thông, xã còn 103/134,46 km đường liên thôn, đường trục, ngõ xóm và nội đồng là đường đất, đi lại lầy lội. Để làm được đường thôn, bản bê tông như hôm nay, xã đã có nhiều cách làm linh hoạt đó là họp dân phổ biến chủ trương của tỉnh: Hỗ trợ xi măng, ống cống tới tận công trình và kinh phí quản lý, nhân dân góp cát, sỏi, công lao động. Với hơn 3.100 hộ ở 25 thôn, chủ yếu sống bằng sản xuất nông nghiệp nên khi triển khai xã chủ trương hộ nào có điều kiện thì nộp một lần và tùy tâm ủng hộ thêm; hộ khó khăn có thể nộp nhiều lần; khi nhân dân đóng góp được một phần ba dự toán thì tiến hành khởi công, làm đoạn nào xong đoạn ấy để bảo đảm việc đi lại. Ngoài việc đóng góp bằng tiền, các hộ có thể góp bằng các loại vật dụng thi công như cốp pha, đưa máy trộn bê tông tới thi công hoặc bằng phương tiện vận tải chuyên chở vật liệu...
Ở huyện vùng cao Nà Hang, kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng rất nhiều tuyến đường thôn, bản đã được bê tông hóa. Anh Nguyễn Xuân Bạch, Chủ tịch UBND xã Côn Lôn cho biết, tổng chiều dài của các tuyến đường liên thôn trong xã vào khoảng 10km, đến nay, đã có trên 8 km được bê tông hóa. Đây là kết quả ngoài mong đợi, khi Côn Lôn không phải là xã có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, trong xã vẫn còn 219 hộ nghèo (chiếm 47%), nhưng có hộ đã đóng tới hơn 2 triệu đồng để làm đường.
Trong quá trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn, tỉnh đã huy động được sự tham gia của cả cộng đồng, từ việc tuyên truyền chủ trương đến triển khai thực hiện. Do vậy, ngoài phần hỗ trợ của tỉnh, nhân dân đã đóng góp hơn 400 tỷ đồng bằng công lao động, vật liệu, tiền mặt, một nguồn lực rất lớn để xây dựng phát triển hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã đóng góp vật liệu, hỗ trợ máy móc, thiết bị thi công nền và mặt đường trị giá 1,08 tỷ đồng. Toàn tỉnh có trên 100 hộ hiến 21.000m2 đất để làm đường, tiêu biểu như gia đình ông: Nguyễn Văn Đáng, thôn Ninh Hòa 2, xã Ninh Lai, hiến 2.143m2 đất; Nguyễn Văn Ngụ, thôn Tân Trào, xã Hợp Hòa (Sơn Dương) hiến 336m2 đất; Hà Cảnh Lai, thôn An Thịnh, xã Tân Thịnh hiến 1.000m2 đất; ông Ma Thanh Thoát, thôn Bản Nghiên, xã Tri Phú (Chiêm Hóa) hiến 450m2 đất; Phan Văn Thuê, thôn Hồ xã Nhữ Hán hiến 360m2 đất; ông Đặng Văn Vi, thôn Trầm Ân, xã Thắng Quân (Yên Sơn) hiến 450m2; ông Nguyễn Thế Phó, thôn Bản Kè B, xã Lăng Can (Lâm Bình)...
Ngoài sự phát huy được sức mạnh từ phía người dân, doanh nghiệp thì chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn đã củng cố, nâng cao được chất lượng cán bộ cơ sở về quản lý kinh tế, xây dựng, công tác dân vận… Sự quyết tâm của chính quyền các cấp cộng với sức mạnh từ nhân dân, chủ trương bê tông hóa đường giao thông nông thôn đã giành được thắng lợi trên mọi mặt từ số lượng đến chất lượng.
Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Nguyễn Tiến Dũng cho biết, tỉnh đã phân cấp triệt để cho UBND cấp xã phê duyệt dự toán, quyết toán. Các thủ tục được tiến hành nhanh, gọn, công khai để dân biết, dân bàn, dân kiểm tra. Ngay sau khi hoàn thành công trình được công khai từng khoản đóng góp tới dân. Vì vậy, không chỉ làm tăng niềm tin và sự đồng thuận trong dân mà còn khơi dậy được sức dân cho nên có tới 73 xã, thị trấn vượt chỉ tiêu kế hoạch làm đường. Năm 2014, toàn tỉnh phấn đấu làm mới 440 km đường bê tông nông thôn. Nếu như hoàn thành thì sẽ nâng tổng số đường thôn bản được cứng hóa lên 2.300 km, đạt 106% kế hoạch 5 năm và về đích sớm hơn 1 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra./.
Nguồn: Báo Tuyên Quang