Nam Định: Phát triển hệ thống giao thông tại các xã xây dựng nông thôn mới

Thứ sáu, 04/04/2014 14:57
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Qua kết quả điều tra, khảo sát tại các xã xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 cho thấy, tỷ lệ cứng hóa đường giao thông nội đồng theo tiêu chí NTM còn thấp. Toàn tỉnh mới có 23 xã, thị trấn đạt tiêu chí về giao thông; 28 xã, thị thấn cơ bản đạt tiêu chí về giao thông, còn 38 xã chưa đạt tiêu chí về giao thông; riêng huyện Mỹ Lộc cả 4 xã xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 chưa đạt hoặc cơ bản đạt tiêu chí về giao thông.

Trong hơn 3 năm qua, một trong những tiêu chí được 96 xã, thị trấn tham gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 ưu tiên thực hiện là phát triển giao thông nông thôn (GTNT), tạo tiền đề để phát triển sản xuất nông nghiệp, CN -TTCN, nâng cao đời sống của nhân dân. Được xác định là tiêu chí khó vì cần nguồn kinh phí lớn nên các địa phương đều chủ động tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa của phong trào, làm tốt công tác dân vận, huy động nhân dân đồng lòng, chung sức với chính quyền đóng góp kinh phí hoàn chỉnh nâng cấp đường GTNT và “cứng hóa” đường giao thông nội đồng.

Để bảo đảm thực hiện mục tiêu song không tạo “gánh nặng” kinh phí cho ngân sách và người dân đóng góp, phương châm trong đầu tư phát triển GTNT của các địa phương là tận dụng tối đa các công trình hiện có, đầu tư cải tạo nâng cấp và xây mới đường GTNT phù hợp với điều kiện thực tế. Các địa phương còn vận dụng linh hoạt, hiệu quả việc vận động nhân dân hiến đất, giải phóng mặt bằng để thi công các công trình GTNT và các tuyến đường huyết mạch của tỉnh. Để đạt hiệu quả cao trong đầu tư các tuyến đường GTNT, các địa phương đều thực hiện công khai, minh bạch trong đầu tư xây dựng, phát huy dân chủ ở cơ sở, để người dân được tham gia bàn quyết định và giám sát việc thi công công trình. Do đó các công trình, dự án đường thôn, xóm được thi công khá nhanh, đạt chất lượng, kinh phí đầu tư phù hợp.

Tại huyện Trực Ninh, trong 3 năm xây dựng NTM đã vận động nhân dân hiến trên 300ha đất để xây dựng công trình giao thông, thủy lợi nội đồng, công trình công cộng và phúc lợi xã hội. Bằng việc kết hợp dồn điền đổi thửa (DĐĐT) với chỉnh trang đồng ruộng, đắp ấp trúc đường giao thông, các địa phương đã đào đắp được 4.823m3; cứng hóa trên 70km mặt đường giao thông nội đồng, mặt đường rộng từ 2,5-4,5m. Từ năm 2011 đến nay, huyện Xuân Trường đã huy động được 3.761.500m2 đất và 30.050 ngày công để thực hiện đầu tư các dự án, các công trình công cộng, làm đường giao thông, chỉnh trang đồng ruộng theo tiêu chí, quy hoạch xây dựng NTM. Đến nay, đường trục xã đạt tiêu chí là 63,69%; đường trục thôn đạt tiêu chí là 60,75%; đường dong, xóm đạt tiêu chí là 83,85%; đường giao thông nội đồng đạt tiêu chí là 24,49%.

Tại huyện Ý Yên, các địa phương đã vận động nhân dân góp được trên 302,2ha đất làm đường giao thông nội đồng; tổ chức đào đắp mở rộng trên 1.800 tuyến đường trục chính nội đồng với nền đường từ 4,5-9m, mặt đường rộng từ 3-7m, tổng khối lượng đào đắp trên 2,7 triệu m3. Tiêu biểu là các xã Yên Hồng, Yên Phú, Yên Tân, Yên Cường, Yên Nhân, Yên Lương và Thị trấn Lâm.

Tại xã Hải Phúc (Hải Hậu), sau hơn 3 năm triển khai xây dựng NTM, hệ thống đường giao thông xóm, liên xóm có 4 tuyến 2,4km, mặt đường được rải nhựa rộng 3-3,5m, nền đường 6,5m. Đường giao thông dong xóm có 23 tuyến với chiều dài 18km; năm 2012 và đầu năm 2013 đã triển khai ở 15 xóm với chiều dài 18km, mặt đường rộng từ 2-5m, tổng kinh phí đầu tư 5 tỷ 291,4 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp theo khẩu là 2 tỷ 830 triệu đồng, xã hỗ trợ theo đề án 1 tỷ 728,4 triệu đồng, con em quê hương tự nguyện đóng góp 733 triệu đồng; đã ấp trúc mở rộng đường được 32km, nâng cấp 5,1km đường trục chính ra đồng, mặt đường đổ bê tông rộng 2,5-3m, dày 15cm, tổng kinh phí 19.203,1 triệu đồng (tính cả phần góp đất làm đường).

Tại xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng), trong 3 năm xây dựng NTM đã làm mới 3,7km đường liên thôn, mặt nhựa và bê tông rộng từ 3,5-5m đưa tổng số đường nhựa và đường bê tông của xã với chiều dài 80,2km, không còn đường lầy lội; làm mới 26,4km đường trục chính ra đồng mặt bê tông rộng 3m, dày 15cm...

Việc phát huy nội lực trong dân, cùng những cơ chế, chính sách phù hợp đã mang lại hiệu quả tích cực trong phát triển hệ thống GTNT. Trong 3 năm, tại các xã, thị trấn xây dựng NTM của tỉnh đã xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp 4.296km đường GTNT, 5.371 cầu, cống dân sinh, đắp được trên 5.319km đường giao thông nội đồng (trong đó đã cứng hóa 1.071km). Sau 3 năm đã hoàn thành cơ bản việc nâng cấp hệ thống giao thông huyết mạch của tỉnh và GTNT, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Hạ tầng GTNT phát triển, đã tạo thuận lợi cho cơ giới hoá nông nghiệp, góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, mở rộng canh tác cây công nghiệp, thực phẩm và phát triển chăn nuôi. Cùng với nông nghiệp, sản xuất CN-TTCN cũng khá phát triển, các địa phương đã phát triển nghề may công nghiệp, hình thành các xưởng may, doanh nghiệp may tại các xã Hải Đường, Hải Phương (Hải Hậu), Xuân Kiên (Xuân Trường), Việt Hùng (Trực Ninh), Đại Thắng (Vụ Bản); nghề mây tre đan, nghề thêu tranh XQ Đà Lạt, nghề mộc mỹ nghệ tại Hải Hậu, nghề khâu móc sợi tại Xuân Trường... Năm 2013, giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn ước đạt 9.049,1 tỷ đồng, tăng 65,4% so với năm 2010; tỷ trọng giá trị sản xuất CN-TTCN, làng nghề ở nông thôn chiếm 52,9% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh; tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010-2013 đạt 21,8%.

Tuy nhiên, qua kết quả điều tra, khảo sát tại các xã xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 cho thấy, tỷ lệ cứng hóa đường giao thông nội đồng theo tiêu chí NTM còn thấp. Toàn tỉnh mới có 23 xã, thị trấn đạt tiêu chí về giao thông; 28 xã, thị thấn cơ bản đạt tiêu chí về giao thông, còn 38 xã chưa đạt tiêu chí về giao thông; riêng huyện Mỹ Lộc cả 4 xã xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 chưa đạt hoặc cơ bản đạt tiêu chí về giao thông. Để hoàn thành tiêu chí giao thông đúng mục tiêu đề ra, thời gian tới các địa phương cần có lộ trình đầu tư cụ thể. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm quán triệt sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng dân cư trên địa bàn và tranh thủ tối đa các nguồn lực xã hội phục vụ chương trình xây dựng GTNT. Đồng thời cần linh hoạt hơn trong triển khai, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng GTNT. Nêu cao vai trò lãnh đạo của UBND; Ban chỉ đạo xây dựng NTM cấp huyện, xã, ban vận động thôn, xóm./.

Nguồn: Báo Nam Định

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)