Những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện Tủa Chùa, tỉnh Điên Biên luôn xác định mạng lưới giao thông nông thôn là huyết mạch nền kinh tế, xã hội; là điều kiện tiên quyết trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững tại địa phương. Trên cơ sở đó, huyện luôn coi phát triển cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách...
Việc nhựa hóa giao thông nông thôn khiến cho việc đi lại, phát triển sản xuất, tiêu thụ nông sản của người dân địa phương được thuận lợi. Ảnh: Vũ Lợi
Là một trong những địa phương giàu tiềm năng phát triển kinh tế xã hội, với những thế mạnh về diện tích tự nhiên lớn; địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp phát triển nông, lâm, ngư nghiệp, đặc biệt là phát triển chăn nuôi; sản phẩm nông nghiệp, hàng hóa được sản xuất từ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện Tủa Chùa, như: lợn, dê, gà; ngô, đậu tương, lạc, chè cây cao; rượu Mông pê, rượu thóc... có chất lượng và giá trị kinh tế cao, nhu cầu tiêu thụ lớn. Tuy nhiên Tủa Chùa vẫn là một trong những địa phương kinh tế, xã hội kém phát triển mà một trong những nguyên nhân chủ yếu là mạng lưới giao thông nông thôn chưa phát triển. Trước năm 2010, tư thương rất khó tiếp cận các bản xa thuộc địa bàn các xã được xác định là vựa ngô, thóc của huyện như: Sính Phình, Xá Nhè, Sín Chải, Mường Đun... bởi giao thông khó khăn, chi phí vận tải lớn, dẫn đến giá thành sản phẩm tại chỗ thấp. Do vậy, những năm trước, diện tích canh tác trên địa bàn phát triển rất chậm, có năm diện tích canh tác, sản lượng nông nghiệp không tăng, thậm chí có năm còn giảm nhẹ.
Trước thực trạng trên, năm 2010, Huyện ủy Tủa Chùa xây dựng và triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết phát triển giao thông nông thôn, với mục tiêu tập trung nguồn lực nhựa hóa, bê tông hóa các tuyến đường liên xã; đường nối từ trung tâm huyện đến các vùng kinh tế trọng điểm. Mở mới và nâng cấp các tuyến đường liên thôn, bản với yêu cầu đảm bảo giao thông thông suốt các mùa trong năm. Theo đó, huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn từ mọi nguồn lực xã hội. Mỗi năm từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước; vốn các chương trình mục tiêu quốc gia; vốn ODA; vốn huy động của doanh nghiệp, đóng góp của cộng đồng nhân dân trên địa bàn, huyện đầu tư 30 - 40 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn. Trong đó, nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ được ưu tiên hoàn thành các đường ôtô tới trung tâm xã hiện khó khăn, bị chia cắt; các khoản vay ODA lớn đầu tư vào các dự án hạ tầng có quy mô lớn, hiện đại và đồng bộ hỗ trợ phát triển kinh tế cho các vùng kinh tế trọng điểm của huyện. Các cơ quan chức năng tích cực vận động nhân dân hiến đất làm đường mới và mở rộng đường cũ, nhân rộng mô hình Nhà nước hỗ trợ vật tư, vật liệu, nhân dân đóng góp công sức; sử dụng tư vấn giám sát cộng đồng. Những năm qua, công tác quản lý, bảo trì đường giao thông nông thôn trên địa bàn được quan tâm đặc biệt. Hàng năm, Phòng Công thương huyện Tủa Chùa phối hợp cùng các cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền cơ sở sử dụng vốn ngân sách, huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, người dân tiến hành duy tu, bảo trì đường hiệu quả. Phòng thường xuyên bố trí cán bộ kỹ thuật tuần đường theo dõi, cập nhật một cách có hệ thống, qua đó tham mưu cho các cơ quan chuyên môn khắc phục hiệu quả các hiện tượng sụt sạt, bong tróc rên các tuyến đường. Bên cạnh đó, huyện còn đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho hệ thống quản lý, bảo trì đường giao thông nông thôn; chú trọng đào tạo cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý đầu tư, quản lý bảo trì nhằm phát huy tối đa hiệu quả các dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác.
Từ năm 2010 đến nay, huyện tiến hành đầu tư 38 dự án phát triển giao thông nông thôn với tổng mức đầu tư trên 450 tỷ đồng. Hiện nay, toàn huyện có 190km đường giao thông nông thôn loại A, B nối liền trung tâm huyện đến trung tâm các xã, thị trấn; 326km đường giao thông liên thôn bản (40/138 thôn bản, tổ dân phố có đường nhựa, đường bê tông); 97/138 thôn, bản có đường ô tô. Các tuyến đường: thị trấn Tủa Chùa - Sính Phình - Tả Phình - Sín Chải; Mường Báng - Mường Đun... được nhựa hóa, có chất lượng phục vụ đắc lực người dân phát triển sản xuất, tiêu thụ nông sản. Thuận lợi về giao thông, từ năm 2013 đến nay, diện tích sản xuất nông nghiệp tại các xã Sính Phình, Sín Chải, Mường Đun, Xá Nhè tăng bình quân 11%/năm.