Đề án phát triển giao thông nông thôn (GTNT) giai đoạn 2010 - 2015 đã gặt hái được nhiều kết quả đáng mừng, tạo cơ sở để Quảng Nam tiếp tục phát triển hệ thống GTNT trong giai đoạn tiếp theo.
Hợp lòng dân
Ở vùng nông thôn, đầu tư kết cấu hạ tầng chưa có chương trình nào “đồng hành với nhà nông” hiệu quả bằng kiên cố GTNT. Chương trình này đã được nhân dân hưởng ứng tích cực, phát huy được vai trò “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Cách đây hơn 15 năm, trên địa bàn tỉnh lúc ấy chỉ có gần 7.000km GTNT, chiếm hơn 70% so với tổng chiều dài các tuyến đường bộ và đóng vai trò quan trọng đối với sinh hoạt, sản xuất và đi lại của người dân khu vực nông thôn, miền núi dù bề mặt chủ yếu là đất, cát.
Nhằm tạo bước đột phá mới, Quảng Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách có liên quan đến phát triển GTNT. Quyết định số 19 của UBND tỉnh về Quy chế quản lý tài chính đối với kiên cố hóa kênh mương và GTNT ra đời phù hợp với tình hình nên thúc đẩy phong trào lan rộng, được đông đảo nhân dân hưởng ứng và đóng góp sức người, sức của. Vì vậy, giai đoạn 2001 - 2009, toàn tỉnh đã kiên cố mặt đường được 2.765,5km (chiếm 41% so với thực tế).
Triển khai Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, tại kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh khóa VII ban hành Nghị quyết số 143/2009/NQ-HĐND về phát triển GTNT (giai đoạn 2010 - 2015). Sau 6 năm thực hiện đề án, toàn tỉnh bê tông hóa trên 1.477km mặt đường, đạt 100% kế hoạch khối lượng; xây dựng được 2.037 cống các loại. Quảng Nam đã huy động 923 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 442 tỷ đồng, địa phương và nhân dân đóng góp 481 tỷ đồng. Tổng chiều dài GTNT trên địa bàn tỉnh đã kiên cố hóa nâng từ 2.766km lên 4.266km. Lồng ghép với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đề án mang lại kết quả khả quan khi có 28 xã đạt chuẩn về tiêu chí giao thông.
Kiên cố hóa bề mặt GTNT đã được người dân hưởng ứng mạnh mẽ
Trong suốt quá trình triển khai “Đề án phát triển GTNT giai đoạn 2010 - 2015”, được nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ, tiến độ thi công các công trình đều đảm kế hoạch hàng năm, hoàn thành trước khi bước vào mùa mưa bão. Các địa phương đã phát huy hiệu quả bài học về vai trò làm chủ của người dân từ khâu xây dựng kế hoạch, tổ chức thi công đến khâu quản lý, bảo trì theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân quản lý, sử dụng”. Bên cạnh sự giúp đỡ của các cấp, các ban ngành liên quan, nhiều nơi thành công trong xã hội hóa nguồn lực để thi công hoàn thành hạ tầng giao thông vững chãi, thông thoáng. Hợp lòng dân và gắn bó thiết thực với đời sống nhân dân, nhu cầu bê tông hóa GTNT tại các địa phương luôn cao hơn chỉ tiêu phân bổ của tỉnh. Đặc biệt, “Đề án phát triển GTNT giai đoạn 2010 - 2015” đóng góp rất lớn cho việc đạt chuẩn NTM của 10 xã vào năm 2014 và 46 xã dự kiến đạt chuẩn năm 2015.
Tiếp tục kiên cố hóa GTNT
Kết quả phát triển GTNT giai đoạn 2010 - 2015 là hết sức ấn tượng. Tuy nhiên, chiều dài chưa bê tông hóa hiện vẫn còn nhiều (còn 2.643km); cạnh đó một số tuyến xây dựng giai đoạn 2000 - 2008 có bề mặt nhỏ hoặc bị hư hỏng cần phải nâng cấp. Thế nên, việc kéo dài đề án cần phải được tiếp tục. Bí thư Huyện ủy Núi Thành - ông Nguyễn Tiến bày tỏ: “Hiệu quả mà chương trình kiên cố mặt đường GTNT mang lại là quá rõ. Các tuyến GTNT được kiên cố hóa đã tạo thuận lợi trong lưu thông, người dân còn tổ chức đóng góp lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng trên các tuyến đường thôn, xóm tạo cho bộ mặt vùng quê tràn trề sức sống, an ninh trật tự và an toàn giao thông càng thêm đảm bảo”.
Ông Nguyễn Văn Nhân, Giám đốc Sở Giao thông vận tải thì cho rằng, trong quá trình cùng tham gia thực hiện hiến đất mở đường, đóng góp công sức, ở nhiều địa phương, tình làng nghĩa xóm của bà con thêm thắt chặt. Nhân dân có kinh nghiệm tổ chức thi công, chú trọng đến chất lượng, vì vậy hiện tượng bớt xén vật tư, giảm bề dày mặt đường được hạn chế tối đa.
Trong điều kiện vừa triển khai thực hiện “Đề án kiên cố hóa mặt đường các tuyến đường huyện theo Nghị quyết số 134/2014/NQ-HĐND ngày 11/12/2014 của HĐND tỉnh, Quảng Nam nếu kéo dài “Đề án phát triển GTNT giai đoạn 2015 - 2020” sẽ khiến cho nguồn vốn từ ngân sách tỉnh và các địa phương gặp nhiều khó khăn. Nhưng theo nhiều ý kiến, kết cấu hạ tầng giao thông muốn đồng bộ thì GTNT phải được đầu tư để khớp nối liên hoàn từ quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện rồi tỏa ra khắp các cánh đồng. Chính sách về “tam nông” (nông nghiệp, nông dân và nông thôn) mới dần hiện hữu, chương trình NTM có cơ sở về đích thành công. Vì lẽ đó, sau khi tính toán về nguồn lực, Quảng Nam đặt ra mục tiêu vừa phấn đấu đến năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chí GTNT của NTM. Tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa VIII sắp diễn ra, UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh về “Đề án phát triển GTNT giai đoạn 2016 - 2020” với chiều dài 571km. Kinh phí thực hiện đề án khoảng 477 tỷ đồng; trong đó ngân sách tỉnh 255 tỷ đồng. Tỉnh ưu tiên đầu tư cho các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM trước năm 2020.