Đề án Phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016 - 2020 vừa được Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu phê duyệt tại Quyết định số 2740/QĐ-UBND, ngày 6/8/2015.
Đề án đặt mục tiêu trong giai đoạn 2016-2020 sẽ thực hiện kiên cố hóa 571km đường GTNT, trong đó ưu tiên cho các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2020 và những huyện miền núi có tỷ lệ kiên cố hóa đường GTNT còn thấp.
Tổng nhu cầu nguồn vốn cần để thực hiện Đề án (tính theo đơn giá năm 2015) là 477 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh 255 tỷ đồng (53,5%), ngân sách huyện và huy động nhân dân 222 tỷ đồng (46,5%).
Theo số liệu điều tra năm 2015, hệ thống đường GTNT trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có 6.560,1 km, trong đó có 3.890,5 km đã được bê tông hóa (tỷ lệ đường bê tông hóa chỉ đạt 59,3%). Ngoài ra, các tuyến đường được xây dựng trong giai đoạn 2000 - 2008 có mặt đường nhỏ, một số tuyến bị hư hỏng cần mở rộng, nâng cấp. Việc tiếp tục bê tông hóa GTNT trên địa bàn tỉnh rất cần thiết, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, phù hợp chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Nếu đạt được các chỉ tiêu đề ra của Đề án Phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2016 - 2020, đến cuối năm 2020 trên địa bàn tỉnh sẽ có thêm 549km đường GTNT được bê tông hóa. Tổng số đường GTNT được bê tông hóa đạt 4.466km, tỷ lệ 68,08%; còn 31,92% với chiều dài 2.094km đường đất tiếp tục thực hiện trong các giai đoạn tiếp theo.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Giao thông vận tải là cơ quan chủ trì, tham mưu UBND tỉnh triển khai Đề án. Trên cơ sở chỉ tiêu về khối lượng của Đề án, hàng năm dự kiến nhu cầu kinh phí cần hỗ trợ các địa phương, phối hợp với các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt, giao kế hoạch năm cho từng địa phương ngay từ đầu năm kế hoạch. Đồng thời lập đơn giá xây dựng mặt đường GTNT (đơn giá được lập cho hai khu vực: miền núi cao; đồng bằng và miền núi thấp) trình UBND tỉnh ban hành làm cơ sở xác định kinh phí hỗ trợ cho các địa phương.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND cấp huyện trên cơ sở chỉ tiêu khối lượng đã được phân bổ và kinh phí được hỗ trợ hàng năm, tổ chức xây dựng danh mục công trình đầu tư cho từng năm. Phân bổ kinh phí do tỉnh hỗ trợ, bố trí kinh phí của địa phương giao kế hoạch cho UBND cấp xã để triển khai thực hiện đầu tư.