Cao Bằng: Hà Quảng đi đầu trong phát triển giao thông nông thôn

Thứ ba, 18/08/2015 09:10
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Xác định giao thông nông thôn (GTNT) là nhiệm vụ trọng tâm, có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh tại địa phương, nhiệm kỳ 2011 - 2015, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, đặc biệt là huy động nguồn lực trong dân xây dựng, tu sửa các tuyến GTNT. Đến nay, Hà Quảng trở thành một trong những huyện dẫn đầu tỉnh về cả 3 tiêu chí: Mở mới, bê tông hóa và làm đường nội đồng, góp phần phát triển KT - XH gắn với xây dựng nông thôn mới.

Xã Đào Ngạn (Hà Quảng) huy động sức dân bê tông hóa đường giao thông nông thôn

Vân An là xã vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Hà Quảng, có 10 xóm, 215 hộ với 1.036 nhân khẩu. Do đặc điểm địa hình, hệ thống giao thông của xã bị chia cắt, nhân dân đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Thực hiện Chương trình số 10-CTr/HU, ngày 6/10/2011 của Huyện ủy về Phát triển GTNT trên địa bàn huyện giai đoạn 2011 - 2015, Chủ tịch UBND xã Vân An Nông Văn Hòa, cho biết: Với phương châm Nhà nước hỗ trợ vật liệu nổ, nhân dân đóng góp công sức (tỷ lệ 60/40), sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể xã, xóm; từ năm 2010 đến nay, đường liên xã dài 9 km được nhựa hóa; 8/10 xóm mở được đường, trong đó 5 xóm có đường cấp phối đến trung tâm xóm. Theo lộ trình, năm 2015 - 2016, xã huy động sức dân làm đường nội vùng xóm Nặm Đin dài trên 2 km, mở đường xóm Lũng Nặm - xóm Lũng Thốc dài trên 2 km. Xã phấn đấu đến hết năm 2020, 100% xóm có đường, trong đó trên 80% xóm có đường bê tông.

Cùng với xã Vân An, xã Đào Ngạn đi đầu trong việc bê tông hóa GTNT. Bằng các nguồn vốn (Nghị quyết 30a của Chính phủ, Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam, xây dựng nông thôn mới) và huy động sức dân, đến nay, xã Đào Ngạn trở thành địa phương có hệ thống GTNT phát triển nhất của Hà Quảng. 

Sau 5 năm thực hiện Chương trình Phát triển GTNT, công tác đầu tư xây dựng các tuyến đường trên địa bàn huyện đạt được kết quả tích cực trên cả phương diện mở mới và bê tông hóa, đặc biệt, đường liên xóm được cải thiện rõ rệt so với năm 2010. Hết năm 2014, toàn huyện đã mở mới và bê tông hóa 119 tuyến đường, chiều rộng tuyến đạt trung bình từ 1,6 - 2,5 m, tổng chiều dài 86,18 km, trong đó, mở mới 50,223 km/51 tuyến, bê tông hóa được 35,937 km/68 tuyến. Cơ bản hoàn thành mục tiêu đưa ra của Chương trình đến hết năm 2015, 100% xóm vùng đồng có đường rộng 2,5 m trở lên, trong đó, 60% đường xóm được bê tông hóa. Bước đầu tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, giao lưu hàng hóa, triển khai thực hiện hiệu quả phát triển KT - XH.

Song song với việc đầu tư xây dựng GTNT, từ năm 2011 đến nay, UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng phân bổ kinh phí cho các xã thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường liên xã với tổng chiều dài 409 km, lắp đặt thêm các biển báo rẽ, gương cầu lồi..., tại các ngã ba, nơi đông người qua lại, góp phần khai thác tối đa công năng sử dụng các tuyến sau đầu tư, đồng thời bảo vệ kết cấu các tuyến đường, đảm bảo nhu cầu đi lại của nhân dân.

Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hà Quảng Triệu Đình Dũng cho biết: Việc huy động nguồn lực thực hiện phát triển GTNT được đa dạng hóa, cụ thể, nhân dân đóng góp trên 35.000 ngày công lao động, hiến trên 55.000 m2 đất cộng với vật liệu tại chỗ; các Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, sự chung tay đóng góp của các nhà tài trợ được trên 27 tỷ 898 triệu đồng. Trong đó, Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam hỗ trợ trên 15 tỷ đồng, Chương trình 30a của Chính phủ 4 tỷ đồng, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam hỗ trợ trên 2,2 tỷ đồng, vốn xây dựng nông thôn mới 2 tỷ đồng... Các nguồn lực trên đã góp phần làm giảm bớt gánh nặng cho địa phương trong khi nguồn ngân sách cấp có hạn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đầu tư xây dựng, duy tu, bảo dưỡng GTNT của huyện còn một số hạn chế, yếu kém cần được khắc phục như: mạng lưới giao thông liên xóm chưa đáp ứng yêu cầu phát triển KT - XH của địa phương. Hà Quảng còn nhiều thôn, xóm, đặc biệt là các xóm vùng cao, khu vực biên giới chưa có đường xe máy đến xóm; một số tuyến sau khi đầu tư xây dựng không đạt yêu cầu, khả năng chịu tải kém, độ bền thấp; việc bố trí nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước chưa nhiều, chủ yếu từ nguồn kinh phí tài trợ dẫn đến hyện thiếu chủ động trong xây dựng kế hoạch, triển khai; việc khai thác các loại vật liệu tại chỗ không dễ do cơ chế quản lý, sử dụng vật liệu nổ còn phức tạp...

Để Chương trình Phát triển GTNT đạt hiệu quả hơn nữa, những năm tiếp theo, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, vận động nhân dân; thu hút vốn đầu tư từ các tổ chức, cá nhân, quản lý tốt nguồn vốn; đồng thời huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành, tổ chức, đoàn thể, nhân dân địa phương. Tạo phong trào rộng khắp trong nhân dân và thực sự trở thành khâu đột phá trong phát triển KT - XH của huyện.
 

bichtt

Nguồn: Báo Cao Bằng

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)