Ninh Bình: Xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn là tiêu chí chủ lực

Thứ năm, 03/09/2015 14:07
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Những năm qua, mạng lưới giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình ngày càng hoàn thiện và đồng bộ. Huyết mạch giao thông nông thôn được nối liền, rộng khắp không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân nông thôn mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo đà cho các xã xây dựng nông thôn mới.

Hạ tầng giao thông nông thôn bền vững là tiêu chí chủ lực của tỉnh được các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh quan tâm. Trong chương trình xây dựng nông thôn mới đến năm 2020, Ninh Bình luôn xác định giao thông nông thôn là khâu thực hiện trước tiên, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế-xã hội, góp phần làm nên diện mạo nông thôn mới.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tích cực triển khai các chủ trương của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh về quy hoạch lại đồng ruộng gắn với dồn đổi ruộng đất. UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ, khuyến khích nhân dân làm đường ra đồng phù hợp.

Đặc biệt, phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn được cán bộ và nhân dân đồng tình hưởng ứng, nhiều gia đình đã tự nguyện hiến đất, chặt cây, phá dỡ cổng, tường rào… để mở rộng mặt đường đảm bảo đạt chuẩn theo tiêu chí về nông thôn mới.

Những con đường mới được đầu tư xây dựng ở xã Ninh Giang (Hoa Lư) mang lại
diện mạo mới và góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương

Công tác dồn điền, đổi thửa đã tạo thành phong trào “hiến đất, đóng góp kinh phí” làm đường giao thông nông thôn, đường nội đồng. Đến nay đã có 32 xã cơ bản hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa với tổng diện tích dồn đổi là trên 13.488 ha đất nông nghiệp, các hộ đã hiến gần 300 ha đất để thực hiện chỉnh trang đồng ruộng, đào đắp lại hệ thống giao thông nội đồng và kênh mương, góp phần hoàn thành nội dung tiêu chí số 4 về giao thông.

Để khắc phục khó khăn về nguồn vốn trong xây dựng giao thông nông thôn, ngành GTVT đã phối hợp với các địa phương huy động tối đa mọi nguồn lực trong và ngoài nước, từ nhiều thành phần kinh tế, dưới nhiều hình thức khác nhau như vốn từ ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ; từ các dự án, chương trình đầu tư phát triển xây dựng nông thôn; đóng góp của nhân dân, cộng đồng xã hội bằng tiền, vật tư, lao động... để đầu tư phát triển giao thông nông thôn.

Kết quả, trong 5 năm, với việc kết hợp bằng nhiều nguồn vốn từ các chương trình tài trợ WB3, WB6, nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, vốn ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, ngân sách xã bố trí qua chương trình xây dựng nông thôn mới, vốn ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, nhất là con em quê hương Ninh Bình, vốn đóng góp bằng tiền hoặc đất của nhân dân, đã xây mới, nâng cấp, cải tạo được 1.454 km (trong đó có 804 km được bê tông hóa từ nguồn ngân sách hỗ trợ xi măng là 100.790 tấn); xây mới, sửa chữa 386 cầu, cống dân sinh, số tiền đầu tư trên 1.200 tỷ đồng.

Nhờ có những cố gắng của cả hệ thống chính trị và toàn dân, tính đến nay, toàn tỉnh có 25/119 xã đã đạt tiêu chí về giao thông trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Trong đó, tỷ lệ km đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT đạt 79,2%; tỷ lệ km đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT đạt 79,1%; tỷ lệ km đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa đạt 67,2%; tỷ lệ km đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận lợi đạt 53,4%.

Với những kết quả đạt được trong quy hoạch và xây dựng hệ thống giao thông nông thôn, tỉnh Ninh Bình là một trong những điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới của toàn quốc. Nhiều tập thể và cá nhân đã được Chính phủ và Bộ GTVT khen thưởng.

Để đáp ứng được chiến lược cơ bản từ nay đến năm 2020 là hoàn thiện từng bước hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách, thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, thúc đẩy thu hút đầu tư, ngành GTVT đã xây dựng kế hoạch phát triển giao thông nông thôn phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, chiến lược, quy hoạch GTVT trên địa bàn tỉnh, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; phát triển giao thông nông thôn một cách bền vững, tạo sự gắn kết, liên hoàn thông suốt từ mạng lưới giao thông quốc gia đến đường tỉnh, đường huyện, đường thôn, xã, kết hợp giữa kinh tế với an ninh, quốc phòng nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước và nhu cầu đi lại của nhân dân.

Trong đó, giai đoạn từ 2016 đến 2020: Phấn đấu đến năm 2020 có 87 xã đạt chuẩn nông thôn mới theo bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

Với các mục tiêu cụ thể như 100% đường trục xã được nhựa hoá hoặc bê tông hoá; trên 80% đường thôn, xóm được cứng hoá, đạt chuẩn theo quy định của Bộ Giao thông-Vận tải; trên 90% đường dong, xóm sạch, không lầy lội vào mùa mưa; trên 80% các đường trục chính nội đồng được cứng hoá, phương tiện cơ giới đi lại thuận tiện.

bichtt

Nguồn: Báo Ninh Bình

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)