Giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh Lạng Sơn đã huy động gần 6.300 tỷ đồng để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải. Trong đó có tới 70% nguồn kinh phí tỉnh dành cho đầu tư phát triển mạng lưới đường giao thông nông thôn (GTNT). Nhiều cách làm hay, mô hình mới, triển khai hiệu quả trong giai đoạn này. Từ đó, hệ thống đường trục xã, trục thôn và ngõ xóm đã có bước khởi sắc vượt bậc.
Trong giai đoạn 2001-2010, tổng vốn huy động cho lĩnh vực GTNT đạt 1.502 tỷ đồng và bình quân mỗi năm toàn tỉnh chỉ làm mới được 117 km đường bê tông GTNT (bao gồm đường trục xã, trục thôn và ngõ xóm). Đến giai đoạn 2011-2015, chỉ tính riêng bê tông hóa đường GTNT toàn tỉnh đã thực hiện được 1.405 km, bình quân mỗi năm làm được 281,1 km, cao hơn cả giai đoạn 2001-2010 là 231 km. Không chỉ vượt về khối lượng thực hiện mà còn vượt cả về quy mô, chất lượng các tuyến đường. Từ đó nâng tỷ lệ đường GTNT được cứng hóa từ 16,8% năm 2011 lên 28% năm 2015.
Để có kết quả này, UBND cấp tỉnh và huyện đã thực hiện linh hoạt cơ chế điều hành ngân sách cho đầu tư phát triển, mặt khác nhân dân đã ý thức được tầm quan trọng của phát triển GTNT gắn với xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn và năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ làm công tác GTNT ở cấp xã đã được nâng lên rõ rệt, qua đó giúp cho phong trào phát triển GTNT ở cơ sở được thực hiện bài bản hiệu quả hơn.
Nhân dân và đoàn thanh niên xã Xuân Lễ, huyện Lộc Bình làm đường giao thông nông thôn
Hữu Lũng là một trong nhiều huyện của tỉnh đi đầu trong việc phát triển, cứng hóa các tuyến đường GTNT. Từ năm 2011 đến tháng 9/2015, toàn huyện đã bê tông hóa các tuyến đường GTNT được khoảng 160 km với tổng kinh phí huy động ước đạt trên 300 tỷ đồng, trong đó 50% nguồn lực do nhân dân đóng góp và xã hội hóa. Đặc biệt, hầu hết các tuyến đường được bê tông hóa đều đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới.
Đánh giá về phong trào bê tông hóa đường GTNT tại địa bàn, bà Mã Thị Lý, Chủ tịch UBND xã Minh Sơn cho biết: xã đã và đang đẩy mạnh phát triển lĩnh vực lâm nghiệp gắn với dịch vụ, thương mại, do vậy nếu các tuyến đường không được đầu tư vững chắc sẽ không đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế trong bối cảnh giao lưu hội nhập đang rất sôi động trên địa bàn xã hiện nay và trong nhiều năm tới. Vì thế tất cả các tuyến đường đến trung tâm các thôn đã được nhân dân đầu tư bằng mặt đường bê tông xi măng rộng 3,5 m và nền đường đạt từ 0,75m đến 1m.
Một huyện khác có phương pháp phát triển GTNT nhiều sáng tạo là huyện Bình Gia. Ngoài triển khai các phong trào có tính chất truyền thống như: “nhà nước hỗ trợ, nhân dân tự làm”; “ra quân đầu xuân làm giao thông thủy lợi”, huyện Bình Gia còn sáng tạo thêm những mô hình mới hiệu quả như: “khu dân cư tự mở, làm đường GTNT”; “lồng ghép chiến đấu trị an nội dung phát triển kinh tế - xã hội kết hợp làm đường GTNT và xây dựng nông thôn mới”. Các mô hình mới đã và đang được huyện triển khai đều đặn thường xuyên với kế hoạch chuẩn bị hết sức chặt chẽ và cơ chế phối hợp huyện-xã-thôn đồng bộ tại tất cả các xã, chủ thể chính thực hiện là bà con tại các thôn bản. Mỗi đợt ra quân như vậy, toàn huyện đã làm được từ 15 km đến 20 km đường trục thôn bản theo tiêu chuẩn nông thôn mới.
Đánh giá về kết quả thực hiện chương trình phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2011-2015, ông Nguyễn Đình Đại, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết: có được kết quả này là do tỉnh đã ban hành được cơ chế chính sách đồng bộ và được điều chỉnh bổ sung kịp thời phù hợp với thực tiễn và theo từng thời kỳ. Mặt khác, tại các khu dân cư đã phát huy được vai trò làm chủ của cộng đồng và từng thành viên trong việc bàn bạc, thống nhất từ chủ trương đầu tư, phương pháp làm, cơ chế giám sát quản lý chi phí, quản lý chất lượng và việc quản lý vận hành, bảo trì các tuyến đường do chính tập thể khu dân cư làm ra.