Những cung đường vui cho đồng bào miền Trung - Tây Nguyên

Thứ sáu, 26/02/2016 13:11
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Những tuyến đường mới mở không chỉ có ý nghĩa chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng chung của cả nước, mà nó còn có ý nghĩa đặc biệt đối với đồng bào các dân tộc các tỉnh miền trung - Tây Nguyên. Khi đường thông suốt, cuộc sống của bà con đã có những đổi thay tạo thuận lợi và cơ hội mới cho đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế; rút ngắn khoảng cách miền núi và miền xuôi.

Con đường mới giúp nhân dân các tỉnh miền trung và Tây Nguyện vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn.

Con đường mới giúp nhân dân các tỉnh miền trung
và Tây Nguyện vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn.

Dự án đường Trường Sơn Đông dài khoảng 657 km, trong đó xây dựng mới 615 km. Đây là con đường nằm giữa quốc lộ (QL) 1A và đường Hồ Chí Minh, chạy dọc bảy tỉnh miền trung và Tây Nguyên, với mức đầu tư hơn 10 nghìn tỷ đồng. Con đường phải đi qua 125 cầu các loại, hai hầm… do Ban Quản lý dự án (BQLDA) 46 (Bộ Quốc phòng) làm chủ đầu tư và được triển khai xây dựng từ đầu năm 2007.

Dự án có trên 50 nhà thầu trong và ngoài quân đội tham gia, với năng lực cao và nhiều kinh nghiệm. Trong quá trình thi công, ngoài nỗ lực và quyết tâm cao của các nhà thầu, Dự án còn nhận được sự quan tâm, giám sát chặt chẽ của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng và các bộ, ngành liên quan và sự giúp đỡ của các địa phương, nhân dân nơi có tuyến đường đi qua. Cho đến nay, Dự án đã triển khai 57 gói thầu với gần 470 km, trong đó, thi công thông tuyến khoảng 460 km, nối các tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên và Đác Lắc và nối thông năm quốc lộ ngang là QL 24, 19, 25, 29 và 26…

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc BQLDA 46, Đại tá Văn Thái Bình cho biết: Đường Trường Sơn Đông được làm mới, giúp hàng triệu bà con vùng sâu, vùng xa trên đại ngàn Trường Sơn đi lại dễ dàng, mở ra tiềm năng, cơ hội cho đồng bào các dân tộc thu mua nông sản, lâm sản, lưu thông hàng hóa, phát triển vùng nguyên liệu và hệ thống y tế, giáo dục; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn chiến lược miền trung - Tây Nguyên. Đường Trường Sơn Đông sẽ hỗ trợ đường Hồ Chí Minh và QL 1A trong những lúc quá tải, bị lũ lụt chia cắt, sạt lở, tắc đường và khi có tình huống khẩn cấp khác.

Có thể nhận thấy rằng, một số địa phương nơi có tuyến đường đi qua đã có rất nhiều đổi thay về kinh tế - xã hội, như các huyện Hiệp Đức (tỉnh Quảng Nam), Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi), K’Bang - Đăk Pơ - Iapa (tỉnh Gia Lai), Sông Hinh (tỉnh Phú Yên), M’Đrắc (tỉnh Đác Lắc) và phía đông bắc TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng)…

Để phấn đấu hoàn thành Dự án đến năm 2020, BQLDA 46 cũng báo cáo Chính phủ, Quốc hội bố trí vốn để thông toàn bộ tuyến, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng tại các vùng đặc biệt khó khăn của các tỉnh miền trung và Tây Nguyên theo đúng mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Trong những tháng đầu năm 2016, chúng tôi có dịp đi trên con đường mới của tỉnh Phú Yên. Ai cũng bảo trước đây con đường này bụi mù, gập ghềnh vào mùa khô, ngập nước trong mùa mưa lũ, nay cảnh đó đã nhường chỗ cho mặt đường bằng phẳng. Đối với người dân các huyện miền núi, trục giao thông phía tây Phú Yên (nay là QL 19C) giống như một giấc mơ mà kéo theo đó là những đổi thay to lớn cả về kinh tế, xã hội. Giờ ai đi qua QL 19C từ huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, đến Sông Hinh, càng cảm nhận rõ hơn những chuyển mình của các huyện miền núi thuộc tỉnh Phú Yên này.

Chỉ mới đây thôi, đi dọc tuyến đường ĐT 641 qua huyện Đồng Xuân, huyện Sơn Hòa hai bên vẫn còn hoang vắng lắm; mặt đường nhiều ổ voi, ổ gà, nhất là đoạn từ cuối địa phận thị trấn La Hai đến các xã Xuân Long, Xuân Lãnh, Đa Lộc, huyện Đồng Xuân lên đến huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định. Nay đoạn đường được nâng lên thành QL 19C với tổng chiều dài hơn 115 km, vốn đầu tư hơn 609 tỷ đồng, đi xuyên qua ba huyện miền núi Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh, nối liền với các tỉnh Bình Định và Đác Lắc. Tuyến đường đã mở ra cơ hội mới cho các địa phương phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi trong thông thương hàng hóa giữa các vùng và vận chuyển nông sản.

Quan trọng hơn, còn phục vụ an ninh, quốc phòng và tạo động lực đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, thu hút đầu tư, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới cho các huyện miền núi; trong đó riêng phần thu nhập bình quân đầu người đến nay đã lên đến từ 20 đến 25 triệu đồng, tăng hơn 10 triệu đồng so với cách đây năm năm.

Quốc lộ 19C dài hơn 115 km, vốn đầu tư 609 tỷ đồng đi xuyên qua ba huyện miền núi của tỉnh Phú Yên.

Quốc lộ 19C dài hơn 115 km, vốn đầu tư 609 tỷ đồng đi xuyên qua ba huyện miền núi của tỉnh Phú Yên.

Nhân dân sinh sống, làm ăn dọc tuyến QL 19C qua các thôn, xã trên địa bàn huyện Đồng Xuân, đâu đâu cũng bắt gặp không khí tất bật rộn ràng của người dân hăng say sản xuất, buôn bán tấp nập. Gặp anh Trương Minh Phụng, ở thôn Phước Lộc, xã Xuân Quang, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, anh hồ hởi cho biết: Từ khi có QL 19c đi qua địa phương, gia đình kinh doanh khá hơn trước, người, xe cộ qua lại tấp nập, đời sống nhân dân khá rõ rệt. Còn gia đình anh Nguyễn Văn Ân, ở xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân, chỉ có năm sào ruộng, chưa có nhà để ở, gia đình anh được chính quyền giúp 20 triệu làm căn nhà và từ khi có QL 19C đi qua, anh có việc làm ổn định.

Huyện Sơn Hòa trong những ngày này bà con dường như vui hơn, bởi kết thúc năm 2015, nhiều chỉ tiêu chủ yếu của huyện đều đạt và vượt. Điển hình như tốc độ tăng trưởng kinh tế hơn 20,8%, đạt 179% so với kế hoạch; tỉ lệ hộ nghèo giảm theo tiêu chí mới 2,5%, đạt 125% so với kế hoạch. Các tuyến đường chính trong huyện được khoác trên mình chiếc áo mới rực rỡ, trang nghiêm với nhiều cờ Đảng, băng rôn, biểu ngữ được treo trang trọng. Trước nhà mỗi người dân là lá quốc kỳ đỏ thắm với sao vàng năm cánh tung bay trong gió. Trong từng thôn xóm, nhà nhà tấp nập vận chuyển nông sản bằng xe công nông; đó là nhờ có QL 19C, con đường huyết mạch này như một bàn đạp cho sự chuyển mình trong phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

Dân ở huyện Đồng Xuân, huyện Sơn Hòa thuộc tỉnh Phú Yên có hơn 80% dân số làm nông nghiệp. Lợi thế lớn của các huyện là có Nhà máy sản xuất tinh bột sắn và Nhà máy đường KCP đóng trên địa bàn, cộng với hệ thống giao thông được xây dựng, nâng cấp đã hỗ trợ đắc lực cho việc thông thương, vận chuyển hàng hóa nông sản. Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân Đặng Ngọc Anh khẳng định: Từ khi có con đường mới chạy qua huyện, huyện đã bàn bạc và có chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ nên đời sống bà con khá hơn trước rất nhiều. Còn Bí thư Huyện ủy Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên Võ Đức Thọ thì bảo: Kinh tế huyện phát triển nhờ có QL 19 C và huyện định hướng trong thời gian tới cũng theo hướng huyện có con đường mới đi ngang qua.

Tuyến bê-tông liên thôn, liên xóm, nối với quốc lộ đã tạo nên bộ mặt nông thôn mới khang trang, sạch đẹp, gây cảm giác mọi nhà vui hơn, bà con phấn khởi vui niềm vui quê hương đổi mới từng ngày.

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)