Trước đây, các khu vực vùng trũng của xã An Định (huyện Tuy An) là vùng rốn lũ được Chính phủ hỗ trợ xây nhà tránh lũ, tuy nhiên, đường đi lại mùa mưa thường xuyên ngập lụt, mùa nắng thì bụi cuốn mù mịt. Từ khi thực hiện Đề án Bê tông hóa giao thông nông thôn, hiện các con đường này đã được bê tông hóa phẳng phiu, thoáng đãng.
Đường bê tông thôn Long Hòa, xã An Định (huyện Tuy An)
Xã An Định có 8 thôn nhưng 3 thôn nằm trong vùng trũng, đó là các thôn Định Trung 2, Định Trung 3 và Long Hòa. Trước đây, đường vào các thôn này gặp nhiều khó khăn, khi mùa mưa đến thì hầu như khu dân cư các nơi này bị nước lũ cô lập. Mới đây, con đường trong thôn Long Hòa dài trên 960m, mặt đường rộng 2,5m đã được thảm bê tông xi măng phẳng lỳ. Kinh phí đầu tư gần 300 triệu đồng, trong đó tỉnh hỗ trợ 216 triệu đồng, huyện đầu tư 8 triệu đồng, phần còn lại do nhân dân đóng góp. Bà Huỳnh Thị Kim Hoàng ở thôn Long Hòa, nói: “Mấy năm trước, cứ đến mùa mưa thì đường lầy lội, mặt đường không khác gì mặt ruộng, sình lún; mọi người đi lại đều phải xắn quần lên để lội bộ. Người lớn đã vậy, trẻ con đi học còn khổ hơn nhiều. Các cháu phải lội sình đến trường, quần áo lấm lem bùn đất. Nay có đường bê tông xi măng, người dân trong thôn ai cũng phấn khởi”.
Trưởng thôn Long Hòa Nguyễn Văn Đông cho biết: Ngoài các tuyến đường đã hoàn thành đưa vào sử dụng, xã cũng đang cố gắng thực hiện thêm các tuyến đường khác trong thời gian sắp tới. Phong trào làm đường ở đây rất sôi động, người dân quanh vùng nhiệt tình tham gia.
Còn thôn Định Trung 3 có 394 ngôi nhà nằm biệt lập gần sông Kỳ Lộ, mùa mưa lũ, người dân trong vùng thường xuyên chạy lụt. Thời gian qua được Chính phủ hỗ trợ xây nhà tránh lũ, mấy mùa lũ qua, người dân nơi đây không còn cảnh chạy tránh lũ như các năm trước. Từ năm 2013, thực hiện đề án Bê tông hóa giao thông nông thôn, các tuyến đường trong thôn đã được bê tông hóa, người dân đi lại thuận lợi.
Theo thống kê của UBND xã An Định, thời gian qua, xã đã làm 27 tuyến đường với tổng chiều dài trên 5,7km với kinh phí đầu tư 3,2 tỉ đồng. Trong đó, tỉnh hỗ trợ 1,5 tỉ đồng, huyện hỗ trợ gần 490 triệu đồng, nhân dân đóng góp 1,2 tỉ đồng, còn lại là nguồn vốn khác. Đặc biệt, từ khi có phong trào “Chung sức chung lòng xây dựng nông thôn mới”, nhiều đoạn đường được nhân dân tự bỏ kinh phí làm lề đường, xây móng gia cố nền đường. Ông Trương Ngọc Cư, người tham gia trong cuộc vận động xây dựng nông thôn mới của xã An Định, chia sẻ: Lúc mới thực hiện thì việc vận động người dân gặp rất nhiều khó khăn, nhiều hộ còn tư tưởng ỷ lại Nhà nước nên không tham gia. Do vậy, việc đóng góp còn khó và chậm. Tuy nhiên, nhờ sự kiên trì tuyên truyền và vận động của lực lượng chức năng, những hộ này cũng dần hiểu ra ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới nên đã tham gia đóng góp nhiệt tình. Ngoài ra với phương châm đường đến đâu, điện đến đó, chính quyền địa phương đã phối hợp với các đoàn thể và ban nhân dân 8 thôn tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện phong trào “thắp sáng đường quê”, đã thắp sáng được 114 bóng đèn.
Bà Trần Thị Loan, một người dân thôn Phong Hanh (xã An Định), vui mừng nói: “Được Nhà nước đầu tư để làm đường bê tông sạch đẹp, bà con ở đây phấn khởi lắm. Trước kia nhà tôi ở ngay mặt đường, mùa nắng phải thường xuyên hứng bụi, nhất là mỗi khi có xe chạy qua, bụi đường tung lên mịt mù, bay vào đầy nhà. Khi đến mùa mưa, con đường không khác gì vũng sình, lầy lội, trơn trượt. Còn bây giờ, con đường được bê tông, ban đêm lại có đèn thắp sáng, người dân nơi đây đi lại thuận lợi và kinh tế, giao thương hàng hóa được phát triển”.