Hà Nội: Những con đường từ sức dân

Thứ ba, 12/04/2016 13:59
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Cảm nhận rõ nét nhất về thành tựu chương trình xây dựng nông thôn mới là những con đường bê tông sạch đẹp, rộng rãi, vươn đến mọi ngõ xóm vùng ngoại thành Hà Nội. Chủ trương xây dựng đường giao thông nông thôn đã nhận được sự hưởng ứng của người dân, huy động được sức mạnh của cộng đồng. Người dân trực tiếp đóng góp tiền của, ngày công và tình nguyện hiến đất mở đường. Những con đường nông thôn mới còn được gọi là những con đường từ sức dân.

Đường giao thông nông thôn tại xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ) được đổ bê tông,
tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội trong vùng

Đúng vào dịp huyện Đông Anh được đề nghị công nhận là huyện nông thôn mới, người dân xóm Mới, thôn Xuân Trạch (xã Xuân Canh, huyện Đông Anh) phấn khởi khánh thành con đường chạy qua xóm mình. Con đường rộng rãi, sạch đẹp làm thay đổi diện mạo của cả xóm. Ông Nguyễn Viết Văn, người dân xóm Mới cho biết: "Vì chính quyền phải ưu tiên dành kinh phí xây dựng, cải tạo những tuyến đường chính, cho nên tuyến đường ở xóm Mới nằm tại rìa làng lâu nay không được để ý. Nhiều năm trời, hơn mười hộ gia đình của xóm vẫn phải đi qua con đường đất lầy lội. Khi Đông Anh xây dựng nông thôn mới, có chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm. Mọi người trong xóm đều nhất trí cao với chủ trương này". Nguyên, vật liệu xây dựng đường được chính quyền hỗ trợ, các hộ gia đình trong xóm đóng góp hai triệu đồng cùng một số ngày công xây dựng. Chỉ sau một tuần thi công, người dân xóm Mới đã có được "con đường mơ ước".

Những ngày này, ở bất cứ thôn làng nào trên địa bàn huyện Đông Anh cũng râm ran chuyện về những con đường từ sức dân như thế. Mọi người phấn khởi bởi nông thôn mới không phải chuyện xa lạ, mà có sự đóng góp của gia đình mình vào sự phát triển của xóm làng. Người dân đã hiến gần 60.000 m2 đất để xây dựng hạ tầng, chủ yếu là mở đường, nắn chỉnh cho những con đường đẹp hơn và góp tiền, góp sức. Tiêu biểu như gia đình ông Nguyễn Viết Phương ở xã Liên Hà đóng góp 1,5 tỷ đồng để làm đường.

Tính đến thời điểm này, cùng với Đan Phượng đã được công nhận là huyện nông thôn mới, ba huyện Hoài Đức, Thanh Trì, Đông Anh cũng chuẩn bị được công nhận. Chặng đường xây dựng nông thôn mới của Hà Nội vẫn còn dài. Vẫn còn 14 huyện, thị chưa hoàn thành các tiêu chí, khó khăn nhất là các huyện Mỹ Đức, Ba Vì, Thạch Thất... Dù là huyện thuận lợi hay ở những địa bàn khó khăn, thì điểm chung xuyên suốt trong quá trình xây dựng nông thôn mới của TP Hà Nội thời gian qua là thắng lợi của việc huy động sức dân trong xây dựng những con đường. Huyện Ba Vì thuộc tốp cuối của thành phố trong xây dựng nông thôn mới. Hiện tại, mới có bảy xã đạt đủ 19 tiêu chí, song tại nhiều địa bàn, phong trào làm đường giao thông nông thôn vẫn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng. Điển hình như ở xã Ba Trại, nơi có 40% dân số là đồng bào các dân tộc Mường, Dao, điều kiện kinh tế còn khó khăn, người dân không đóng góp nhiều tiền mặt nhưng khi có chủ trương làm đường, mọi người đều nhận thấy, nếu mỗi người hy sinh một ít lợi ích của bản thân, thì làng xóm sẽ đẹp hơn. Tuyến đường xóm Đầm Trùng ở thôn 2, dài 650 m, rộng ba mét, giờ được mở rộng gấp hai lần, vì người dân đã tự nguyện đóng góp hơn 2.000 m2 đất ven đường. Nếu tính số lượng người hiến đất và diện tích đất được hiến, có lẽ, xã Ba Trại xứng đáng lập một kỷ lục. Toàn xã có hơn 400 người hiến đất, diện tích lên tới 25.000 m2, tự tháo dỡ 3.700 m tường bao và hàng nghìn ngày công. Chỉ tính những hộ gia đình hiến hơn 100 m2 đất cũng đã có một danh sách dài; có hộ hiến tới hơn 700 m2 để làm đường.

Những địa phương làm tốt công tác vận động người dân góp sức làm đường gồm: huyện Thanh Trì, vận động được hơn 1.000 hộ hiến hơn 11.300 m2 đất và hơn 253 tỷ đồng; huyện Quốc Oai, nhân dân đóng góp gần 14.000 m2 đất và hàng chục tỷ đồng để làm đường; huyện Thường Tín huy động được khoảng 18.000 m2... Ngoài làm đường giao thông liên thôn, liên xã, giao thông nội bộ, người dân còn hiến đất nông nghiệp, đóng góp ngày công để mở rộng đường giao thông nội đồng, tạo thuận lợi cho sử dụng các phương tiện cơ giới. Các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thanh Oai... đều huy động được hàng trăm nghìn mét vuông đất. Đến giờ khó có thể thống kê hết những đóng góp của người dân trong việc thay đổi diện mạo giao thông nông thôn.

Kinh nghiệm từ các địa phương cho thấy, muốn người dân tích cực tham gia phong trào làm đường, trước hết phải làm cho người dân hiểu việc mở đường không chỉ giúp đường sá khang trang, môi trường sạch sẽ mà còn giúp lưu thông hàng hóa thuận lợi, góp phần cải thiện hiệu quả kinh tế. Trong quá trình thi công, các thông tin về khối lượng công việc, chi tiêu... cần minh bạch. Mặt khác, các tấm gương điển hình cần được biểu dương kịp thời, tạo không khí phấn khởi, phong trào thi đua rộng khắp.

hoavt

Nguồn: Báo Nhân dân

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)