Ninh Bình: Đẩy mạnh làm đường giao thông nông thôn

Thứ ba, 26/04/2016 13:32
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, sau 5 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, giao thông nông thôn của tỉnh ta có bước chuyển rõ nét. Toàn tỉnh đã có hàng nghìn km đường giao thông nông thôn được bê tông hóa đảm bảo theo chuẩn quy định nông thôn mới, đáp ứng nhu cầu dân sinh và sản xuất.

Diện mạo nông thôn đổi thay

Các vùng quê nông thôn của tỉnh hiện nay thực sự đã thay da, đổi thịt, điểm nhấn là những con đường được đổ bê tông trải dài, phong quang, sạch đẹp. Phong trào làm đường giao thông nông thôn đã tạo sự đồng thuận của nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế-xã hội ở mỗi địa phương.

Đường liên xã đi qua trụ sở xã Ninh Xuân (Hoa Lư) được hoàn thành và đưa vào sử dụng trong niềm vui và phấn khởi của cán bộ và nhân dân. Bác Hà Thị Xuân, thôn Áng Ngoại cho biết: Trước đây con đường này xuống cấp, đi lại rất vất vả nên muốn đi sang các xã khác như Ninh Thắng, người dân phải đi đường vòng rất xa.

Khi con đường được đổ bê tông rộng rãi, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, đẩy mạnh phát triển kinh tế, nhất là phát triển du lịch. Ngoài con đường liên xã, được tỉnh và huyện quan tâm đầu tư, vừa qua Ninh Xuân đã đồng loạt làm đường giao thông thôn, xóm.

Hiện nay 100% đường giao thông ở đây đã được bê tông hóa tạo ra diện mạo mới cho vùng quê còn khó khăn này và hy vọng đây là tiền đề quan trọng giúp người dân trong xã đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập trong những năm tới. Giao thông được kiên cố đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, mang lại diện mạo mới cho vùng nông thôn, đồng thời là động lực để phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa.

Tại khu vực quy hoạch sản xuất tập trung của xã Văn Hải (huyện Kim Sơn), từ khi con đường đất dài hơn 1 km được đổ bê tông theo đúng chuẩn quy định nông thôn mới, khu vực sản xuất đã được mở rộng với các mô hình sản xuất có hiệu quả cao như nuôi tôm thẻ chân trắng trong môi trường nước ngọt, trang trại kết hợp chăn nuôi lợn, dê và đào ao thả cá...

Bác Trần Văn Thế, xóm An Cư cho biết: “Gia đình tôi đã thuê đất và xây dựng mô hình kinh tế trang trại gần 10 năm, nhưng chủ yếu nuôi lợn và các loại cá truyền thống. Nhìn chung, kinh tế gia đình có đi lên sau khi chuyển đổi nhưng việc sản xuất hàng hóa gặp nhiều khó khăn do đường vào trang trại là đường đất, hai bên là ruộng và kênh tưới, chiều ngang hẹp. Từ khi có chủ trương làm đường giao thông, các hộ dân ở đây rất phấn khởi, tích cực triển khai thực hiện".

Ngoài sự hỗ trợ xi măng của tỉnh, của huyện, mỗi hộ ở khu sản xuất đã đóng góp 10 triệu đồng/ha để hoàn thành con đường. Nhờ có đường bê tông vào khu sản xuất, các hộ dân đã đẩy mạnh phát triển kinh tế, nhiều người thấy điều kiện phát triển thuận lợi đã đấu thầu đất tham gia sản xuất, còn các hộ đang sản xuất thì đấu thêm đất để mở rộng diện tích.

Do đó, hiện nay diện tích khu sản xuất tập trung của xã Văn Hải đã tăng gần gấp đôi so với trước kia, từ 11 ha nay đã lên hơn 20 ha. Riêng gia đình tôi trước đây có gần 1 ha nay đã tăng lên 2 ha, chủ yếu để đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng.

Không những tạo điều kiện mở rộng diện tích sản xuất, khi có đường giao thông thì giao thương cũng phát triển, thị trường nông thôn được mở rộng, thương lái vào tận nơi thu mua nông sản đã kích thích tăng gia sản xuất, thu nhập và đời sống của các hộ dân được nâng lên rõ rệt.

Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, nhân dân xã Khánh Dương (Yên Mô) đã đóng góp tiền, ngày công làm đường giao thông thôn, xóm kiên cố

Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, nhân dân xã Khánh Dương (Yên Mô)
đã đóng góp tiền, ngày công làm đường giao thông thôn, xóm kiên cố

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện

Phong trào làm đường giao thông nông thôn được tỉnh Ninh Bình phát động và triển khai theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Tỉnh và huyện hỗ trợ xi măng và một phần kinh phí khác, còn nhân dân tự nguyện giải phóng mặt bằng, đóng góp vật liệu cát, sỏi, sức lao động, máy móc thiết bị, tiền mặt để thi công xây dựng.

Chủ trương làm đường giao thông đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân cùng với công tác tổ chức, triển khai thực hiện công khai, minh bạch, đã tạo phong trào phát triển sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Qua công tác tuyên truyền, mỗi người dân đều hiểu được quyền và trách nhiệm của bản thân, gia đình trong việc thực hiện bê tông hóa đường giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Quá trình thực hiện, các địa phương đã huy động được nhiều tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia ủng hộ đóng góp ngày công, kinh phí, vật liệu xây dựng, hiến đất để làm đường.

Chính sách hỗ trợ xi măng của tỉnh để làm đường giao thông nông thôn đã và đang phát huy hiệu quả rõ rệt. Nhờ đó nhiều tuyến đường được hoàn thành, tạo điều kiện thuận lợi cho dân sinh và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương.

Theo thống kê sơ bộ, tính đến hết Quý I/2016, toàn tỉnh đã cấp gần 133.800 tấn xi măng và các địa phương đã làm được trên 9.180 tuyến đường giao thông với tổng chiều dài trên 1.000 km. Riêng trong Quý I năm nay, các địa phương mới tiếp nhận 977 tấn xi măng, làm được 48 tuyến đường giao thông với tổng chiều dài trên 6,3 km.

Theo ông Trần Văn Hà, Chánh văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh, hiện nay phong trào làm đường giao thông nông thôn ở các xã đang lên cao, người dân đồng thuận góp công, góp của, hiến đất làm đường.

Nhiều địa phương, nhất là ở các xã đăng ký về đích nông thôn mới năm 2016 đã tập kết cát, đá đang chờ xi măng hỗ trợ. Thực tế nhu cầu hỗ trợ xi măng của 21 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới để hoàn thành tiêu chí giao thông là 25.000 tấn. Trong khi hết Quý I, các địa phương mới tiếp nhận gần 1.000 tấn, tiến độ tiếp nhận hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn còn chậm.

Nắm bắt được nhu cầu của nhân dân và để thúc đẩy phong trào làm đường giao thông nông thôn, tỉnh có văn bản chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tiêu chí giao thông đối với các xã xây dựng nông thôn mới năm 2016.

Theo đó, các địa phương tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới trên địa bàn và huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình đảm bảo tiêu chí nông thôn mới, đặc biệt là tiêu chí giao thông nông thôn. Các xã tổ chức rà soát, thống kê các loại đường, tuyến đường để có kế hoạch triển khai thực hiện.

Về việc cung ứng xi măng, tỉnh giao cho các huyện nghiên cứu ký hợp đồng với các đơn vị cung ứng xi măng, đảm bảo về giá thành, chất lượng, kịp thời cung cấp cho nhân dân đẩy nhanh tiến độ làm đường giao thông nông thôn.

Riêng với các xã đã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016, tiếp tục huy động mọi nguồn lực, trong đó chú ý kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và sự tham gia đóng góp của con em xa quê hương.

Đồng thời chủ động sử dụng nguồn kinh phí đã được cấp (từ 300 đến 500 triệu đồng) mua xi măng để nhân dân có xi măng sử dụng ngay, hoàn thành tiêu chí giao thông trong thời gian sớm nhất.

bichtt

Nguồn: Báo Ninh Bình

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)