Nhiều năm trở lại đây, Chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn (GTNT) đã được đông đảo nhân dân trên địa bàn tỉnh nhiệt tình ủng hộ. Qua thực hiện chương trình, đã góp phần làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn, thúc đẩy phát triển KT-XH gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ thực hiện Chương trình bê tông hóa GTNT, nhằm xây dựng hệ thống giao thông hoàn chỉnh.
54,5% đường GTNT đã được bê tông hóa
Theo Sở GTVT, đường GTNT trên địa bàn tỉnh có tổng chiều dài 8.527 km, gồm đường huyện 490 km; đường liên xã, trục chính xã 1.668 km; đường trục thôn, xóm 2.142 km; đường ngõ, xóm 2.510 km và đường trục chính nội đồng 1.715 km.
Những năm qua, với chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm GTNT; nhân dân làm Nhà nước hỗ trợ”, tỉnh đã chi ngân sách hỗ trợ xi măng, chính quyền các địa phương đã kết hợp nhiều nguồn vốn đầu tư, vận động nhân dân đóng góp, hiến đất đai, hoa màu, vật kiến trúc… để bê tông hóa hàng ngàn kilomet đường GTNT.
Ông Trần Thanh Dũng, Phó Giám đốc Sở GTVT, đánh giá: “Nhờ đẩy mạnh bê tông hóa GTNT, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã cơ bản chấm dứt tình trạng ách tắc giao thông tại các vùng nông thôn, nhất là vào mùa mưa lũ, tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa. Đáng mừng là tại nhiều địa phương, người dân đã tự nguyện hiến đất, tháo dỡ tường rào, cổng ngõ, chặt bỏ cây trồng để hiến đất xây dựng đường GTNT. Hệ thống đường GTNT được bê tông hóa đã phát huy hiệu quả nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi, kích thích sản xuất hàng hóa phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo đà phát triển KT-XH, góp phần bảo đảm quốc phòng- an ninh”.
Đáng ghi nhận là trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xác định tiêu chí giao thông là khâu đột phá quan trọng nhằm tạo điều kiện để phát triển KT-XH, cùng với nguồn hỗ trợ xi măng của tỉnh, thời gian qua, các địa phương cũng đã hỗ trợ thêm kinh phí để thực hiện và huy động sức dân tập trung đầu tư bê tông hóa GTNT.
Ông Trần Kỳ Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho biết: Toàn huyện có gần 638 km đường GTNT. Từ khi tỉnh có chủ trương hỗ trợ xi măng làm đường GTNT thì phong trào xây dựng và bê tông hóa GTNT trên địa bàn huyện lan tỏa mạnh mẽ, nhất là ở các địa phương xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn huyện có hơn 415 km/638 km đã được bê tông nhựa và bê tông xi măng, chiếm 65% tổng số tuyến đường giao thông trong huyện. Riêng năm 2015, toàn huyện bê tông hóa được 60,5 km đường GTNT; đường trục xã, liên xã cơ bản đạt chuẩn; đường trục thôn được cứng hóa 70%; đường ngõ xóm không còn lầy lội vào mùa mưa. GTNT phát triển đã tác động trực tiếp tới các lĩnh vực phát triển KT-XH của huyện theo hướng nhanh và bền vững; mang lại diện mạo mới cho khu vực nông thôn, tạo điều kiện phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa.
Tuy đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song nhìn chung, công tác triển khai chương trình bê tông hóa GTNT tại các địa phương trong tỉnh vẫn chưa đồng đều giữa các vùng, nên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển KT-XH tại địa phương. Tại một số xã miền núi, vùng cao, công tác triển khai bê tông hóa GTNT còn khá chậm; chính quyền địa phương còn lúng túng trong việc huy động các nguồn lực để triển khai chương trình bê tông hóa GTNT, vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của chính quyền cấp trên.
Một tuyến đường ở xã Ân Tường Tây (Hoài Ân) vừa được bê tông hóa, tạo điều kiện đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi
Đẩy mạnh bê tông hóa GTNT
Ngành GTVT tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh có 5.783 km đường GTNT được bê tông hóa, chiếm tỉ lệ 72% tổng chiều dài đường GTNT. Trong đó, 100% đường xã, trục chính xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 70% đường thôn, xóm được bê tông hóa đạt loại A trở lên; 70% đường ngõ, xóm được bê tông hóa đạt loại B trở lên; 50% đường trục chính nội đồng được bê tông hóa.
Ông Trần Thanh Dũng cho biết thêm: Để đạt kết quả trên, vừa qua, UBND tỉnh đã phê duyệt thiết kế mẫu đường GTNT và kế hoạch thực hiện bê tông hóa đường GTNT giai đoạn 2016 - 2020. Trong năm 2016, ngân sách tỉnh hỗ trợ 220 tấn xi măng/km đường GTNT loại A theo tiêu chuẩn nền đường rộng 6m, mặt đường rộng 3,5m, dày 20cm, bê tông xi măng M250; hỗ trợ 170 tấn xi măng/km đường GTNT loại B, nền đường 5m, mặt đường 3m, dày 18cm, bê tông M250; hỗ trợ 110 tấn xi măng đối với đường GTNT loại C, nền đường 4m, mặt đường 2,5m, dày 16cm, bê tông M200; hỗ trợ 90 tấn xi măng/km đường GTNT loại D, nền đường 3m, mặt đường 2m, dày 16cm, bê tông M200.
Theo đăng ký của các địa phương, năm 2016, tổng chiều dài thực hiện bê tông đối với đường loại A là 43,95km, đường loại B: 272,25 km, đường loại C: 108,91km, đường loại D: 181,61km. Khối lượng xi măng tỉnh hỗ trợ để bê tông hóa GTNT trong năm nay trên 84.277 tấn.
Bên cạnh việc hỗ trợ xi măng, UBND tỉnh cũng yêu cầu chính quyền các địa phương tổ chức thực hiện đúng quy định về công tác đầu tư xây dựng; huy động, quản lý và sử dụng các nguồn vốn để thực hiện bê tông hóa GTNT năm 2016 đảm bảo kế hoạch đề ra. Sở GTVT, Sở Xây dựng đã ban hành hướng dẫn việc lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình để các địa phương triển khai thực hiện đúng quy định. Ngoài ra, tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Tài chính hợp đồng với Nhà máy Xi măng Diêu Trì tổ chức cung ứng xi măng đến tận chân công trình, giúp các địa phương đẩy nhanh tiến độ bê tông hóa GTNT.