Mặc dù vẫn còn hơn 500 km đường giao thông nông thôn chưa được bê tông và nhựa hóa, nhưng theo đánh giá chung của cơ quan chức năng huyện Chư Pah thì hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn huyện vẫn đảm bảo lưu thông trong mùa mưa năm nay.
Mỗi ngày, vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Quang và Hồ Thị Thúy (thôn 3, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah) phải 4 lần ra chăm sóc vườn chè thuộc địa phận làng Ia Lũh, xã Nghĩa Hưng. Con đường đi vào vườn chè tuy đã được cứng hóa nhưng hễ có mưa xuống mặt đường lại sình lên, trơn trượt gây nguy hiểm cho người đi đường.
Chị Thúy chia sẻ: “Đoạn đường trông bằng phẳng thế thôi chứ mùa mưa tới mặt đường như bị đổ mỡ, nhiều người cùng phương tiện lưu thông bị ngã gãy tay, gãy chân là chuyện bình thường. Đoạn đường chỉ dài hơn 1 cây số nhưng vào mùa mưa phải mất hơn 20 phút đi xe máy vợ chồng tôi mới vào đến vườn chè”. Tương tự, chị Ngô Thị Vân (thôn 6, xã Nghĩa Hưng) cũng có vườn chè tại khu vực làng Ia Lũh mong muốn chính quyền địa phương và nhà nước quan tâm đầu tư hơn nữa nhằm giúp người dân đi lại trên đoạn đường này được thuận lợi, nhất là vào mùa mưa.
Đường vào làng Ia Lũh, xã Nghĩa Hưng tuy được cứng hóa, bằng phẳng nhưng trơn trượt vào mùa mưa
Ông Hà Anh Thái, Trưởng phòng Quản lý Kết cấu Hạ tầng Giao thông (Sở Giao thông vận tải), đánh giá: “Trong những năm qua, hệ thống đường giao thông nông thôn được lồng ghép với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chủ yếu dựa vào sức dân là chính đã gặt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Đến thời điểm hiện tại, hệ thống giao thông nông thôn trên toàn tỉnh tương đối được đảm bảo, tình trạng đường sá hư hỏng, lầy lội là rất ít. Riêng các huyện vùng sâu, vùng xa như Kông Chro, Krông Pa, Kbang, Ia Pa, số km đường đã nhựa hóa, bê tông hóa thấp hơn so với các địa phương khác song vẫn được đảm bảo và sẽ được đưa vào kế hoạch triển khai ngay có khi có điều kiện”. |
Theo tổng hợp sơ bộ của cơ quan chuyên môn huyện Chư Pah, toàn huyện mới chỉ có xã Chư Jôr và Ia Kreng đạt tỷ lệ 100% đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa; các xã còn lại vẫn chưa được hoàn thiện dù hàng năm huyện đều trích từ nguồn vốn sự nghiệp 500-700 triệu đồng để nâng cấp, sửa chữa một số con đường. Năm 2016, nguồn vốn này được đầu tư để sửa chữa đường vào 3 làng lòng hồ thuộc xã Ia Phí là làng Kênh, làng Tung và làng Jút. Nhờ nguồn lực đầu tư Nhà nước, đặc biệt là nguồn vốn kết hợp với cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm nên mạng lưới giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Chư Pah từng bước được cứng hóa.
Đến thời điểm này, toàn huyện Chư Pah đã có 103 km đường trục xã, liên xã được bê tông hóa; 138 km đường trục thôn xóm được bê tông, nhựa hóa; 286 km đường trục thôn, xóm được cứng hóa; 79 km đường ngõ xóm và 93,5 km đường nội đồng cứng hóa; góp phần nâng cao sức lưu chuyển hàng hóa, thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương, gắn với mục tiêu hoàn thành tiêu chí giao thông nhằm đạt chuẩn nông thôn mới.
Dù vậy, đến thời điểm này trên địa bàn huyện vẫn còn gần 500 km đường trục xã, liên xã, trục thôn xóm chưa được bê tông, nhựa hóa, chiếm gần 58% tổng số km đường giao thông nông thôn của huyện. Thực tế này ít nhiều ảnh hưởng đến quá trình lưu thông, vận chuyển hàng hóa của địa phương, nhất là khi Gia Lai bước vào mùa mưa.
Liên quan đến vấn đề này, ông Niê Y Kiên - Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pah, cho biết: “Việc bê tông, nhựa hóa giao thông nông thôn trên địa bàn huyện theo cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm đang gặp khó khăn về việc huy động kinh phí, vì người dân địa phương không đủ điều kiện để đóng góp vốn đối ứng. Hiện tại, 500 km đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện chưa được bê tông nhựa hóa chủ yếu là các tuyến đường thuộc làng dân tộc thiểu số vùng II. Điển hình như các xã Ia Phí, Ia Ly, Ia Mơ Nông... Để giảm thiểu rủi ro và ách tắc lưu thông cho người và phương tiện đi lại trong mùa mưa, huyện đã chỉ đạo cán bộ khắc phục bằng cách vá đắp đường và vận động nhân dân cải tạo lại các đoạn đường hư hỏng”.