Xác định phát triển hệ thống giao thông nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, giao thương hàng hóa dễ dàng và tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Đường vào bản Ảng, xã Pắc Ngà (Bắc Yên) được bê tông kiên cố.
Những năm qua, thực hiện theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, cùng với tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư, tỉnh Sơn La đã huy động nhân dân tham gia đóng góp thực hiện các dự án mở mới, sửa chữa, nâng cấp nhiều tuyến đường giao thông, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh miền núi.
Ông Bùi Văn Mẫn, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Sơn La, cho biết: 5 năm qua, Sở đã tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh ban hành các Nghị quyết 40, 41, 63 và 115, trong đó, có nội dung quy định về mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng đường giao thông nội bản, tiểu khu, tổ dân phố thuộc các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Sở cũng đã ban hành các văn bản theo thẩm quyền, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố trong quá trình thực hiện.
Phong trào làm đường giao thông nông thôn được triển khai ở tất cả các huyện, thành phố, đặc biệt ở những huyện, xã, bản đặc biệt khó khăn; được nhân dân hưởng ứng tích cực, tham gia thực hiện bằng nhiều hình thức. Hệ thống giao thông đường bộ từng bước được kiên cố hóa và mở rộng khắp đến những xã, bản đặc biệt khó khăn. Hiện, toàn tỉnh Sơn La có tổng chiều dài các tuyến đường bộ 9.900km, gồm: 704km quốc lộ, 964km đường tỉnh, 1.891km đường huyện, 5.916km đường xã, 143km đường đô thị và 282km đường chuyên dụng, ngoài ra, gần 11.500km đường trục thôn, ngõ xóm, bản tiểu khu, tổ dân phố và đường trục chính nội đồng.
5 năm qua, với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, các huyện, thành phố của Sơn La đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, đóng góp ngày công lao động, vật liệu xây dựng để thực hiện làm đường giao thông nông thôn. Công khai, minh bạch tài chính thông qua các cuộc họp bản được nhân dân đồng thuận, nhất trí cao. Hằng năm, các xã, bản tiểu khu đã tổ chức đăng ký thực hiện bê tông các tuyến đường nội bản. Riêng 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã thực hiện bê tông 683 tuyến, tổng chiều dài gần 210km, với tổng vốn đầu tư gần 290 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp hơn 200 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh đã có gần 1.800 km đường giao thông nông thôn được bê tông kiên cố, trong đó nhân dân đã đóng góp gần 800 tỷ đồng.
Cùng với phát triển hệ thống giao thông đến các bản, tiểu khu, tỉnh Sơn La đã có những chính sách quan tâm đầu tư làm đường giao thông đến trung tâm các xã. Nếu năm 2011, toàn tỉnh mới có 132 xã, thị trấn có đường giao thông đi được 4 mùa thì đến nay, 100% xã, thị trấn (204 xã, thị trấn) đã có đường ô tô đến trung tâm xã, trong đó 167 xã, thị trấn có đường giao thông đi được bốn mùa. Ngoài ra, hệ thống cầu dân sinh đã được đầu tư xây dựng bằng nhiều nguồn vốn khác nhau. Toàn tỉnh đã có 473 cầu dân sinh, trong đó 116 cầu cứng và 357 cầu treo, đảm bảo an toàn giao thông, góp phần giảm thiểu các vụ tai nạn cho người dân đi qua sông, suối mà không bị cô lập trong mùa mưa lũ và phục vụ phát triển sản xuất, trao đổi hàng hóa.
Thời gian tới, Sở Giao thông vận tải Sơn La tiếp tục ban hành các văn bản hướng dẫn việc đẩy mạnh phong trào làm đường GTNT theo Nghị quyết số 115 của HĐND tỉnh, thực hiện tốt việc lồng ghép các nguồn vốn đầu tư hỗ trợ để phát triển GTNT gắn với xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt công tác quản lý, duy tu bảo dưỡng, khắc phục lũ bão, đảm bảo giao thông thông suốt. Phấn đấu đến hết năm 2016, toàn tỉnh có thêm 4 xã có đường ô tô đi được 4 mùa, nâng tổng số lên 171 xã, đạt 83,8% số xã, thị trấn trong tỉnh.