Hưng Yên: Chung sức, đồng lòng làm đường giao thông nông thôn

Thứ tư, 02/11/2016 14:13
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải của tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030, kết cấu hạ tầng đường giao thông nông thôn (GTNT) được ưu tiên đầu tư nâng cấp các tuyến đường huyện trọng yếu; nâng cấp một số tuyến đường xã, liên xã lên thành đường huyện; đẩy mạnh phong trào cứng hóa, cải tạo đường nội đồng; thực hiện đạt các tiêu chí giao thông trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; phù hợp với Chiến lược phát triển giao thông nông thôn Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Trong đó, giai đoạn 2011 - 2020, nâng cấp 100% các tuyến đường xã, liên xã đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp V, mặt đường nhựa bê tông hoặc xi măng. Hệ thống đường thôn, liên thôn, đường xóm, tối thiểu có 70% đường thôn, xóm được cứng hóa, đạt loại A trở lên; riêng đường thôn, xóm của thành phố Hưng Yên và các thị xã, thị tứ tỷ lệ cứng hóa đạt 90-95%. Hệ thống cầu, cống được xây phù hợp với quy hoạch và đạt tải trọng HL-93 đối với đường huyện, tải trọng tối thiểu 0,65 HL-93 đối với đường xã. Tối thiểu có 70% đường trục chính nội đồng được cứng hóa, phương tiện cơ giới đi lại thuận tiện…

Đường giao thông nông thôn tại xã Lạc Đạo (Văn Lâm)

Thực hiện mục tiêu trên, cùng với các giải pháp của tỉnh, các ngành, địa phương, sự chung sức, đồng lòng của nhân dân các địa phương trong việc đóng góp xây dựng đường GTNT, phong trào làm đường GTNT trên địa bàn tỉnh được thực hiện mạnh mẽ, hiệu quả cao, nhiều địa phương tuy còn khó khăn về kinh phí đã từng bước hoàn thiện và đạt tiêu chí về giao thông. Huyện Mỹ Hào là một trong những địa phương có phong trào làm đường GTNT diễn ra rộng khắp và đạt hiệu quả cao. Thực hiện cơ chế hỗ trợ xi măng làm đường GTNT của tỉnh, năm 2016, huyện Mỹ Hào được phê duyệt hỗ trợ với tổng kinh phí gần 5,8 tỷ đồng để thực hiện xây dựng 266 tuyến đường. Đến nay, các địa phương trên địa bàn huyện đã triển khai thi công được 65 tuyến đường; các tuyến đường còn lại đang được các địa phương tập trung chỉ đạo chuẩn bị mặt bằng để triển khai thi công. Ngoài ra, trong các năm từ 2013 - 2015, toàn huyện đã triển khai làm mới được hơn 54km đường GTNT, kinh phí hỗ trợ xi măng của tỉnh hơn 13,8 tỷ đồng, huyện hỗ trợ các địa phương kinh phí mua đá làm đường hơn 4,6 tỷ đồng.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các xã trên địa bàn huyện Ân Thi đã vận dụng linh hoạt các giải pháp để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, trong đó nổi bật là phong trào làm đường GTNT. Trong giai đoạn từ năm 2011 - 2015, tổng nguồn vốn đầu tư làm đường GTNT trên địa bàn huyện đạt gần 150 tỷ đồng. Hiện nay, hệ thống đường giao thông trên địa bàn huyện tương đối hoàn chỉnh, ngoài các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện; hệ thống đường trục xã của toàn huyện có chiều dài khoảng 100km, đường thôn khoảng 355km, đường sản xuất có 407km. Đến nay, các tuyến đường thôn trên địa bàn huyện đã trải bê tông được trên 283,5km; còn lại đều được rải đá cấp phối, lát gạch; các tuyến đường thôn được cải tạo, làm mới có chiều rộng mặt đường từ 2 - 3m. Giai đoạn 2016 – 2020, huyện Ân Thi phấn đấu có 100% các tuyến đường huyện được cải tạo, nâng cấp; 100% các tuyến đường xã, liên xã được trải nhựa hoặc bê tông; 100% số tuyến đường giao thông thôn, xóm được trải vật liệu cứng, trong đó có 90% số tuyến đường được trải bê tông - xi măng đạt tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn loại A. Theo đó, toàn huyện phấn đấu có 14,7km đường huyện đạt tiêu chuẩn cấp IV đồng bằng; trên 6km đường đạt tiêu chuẩn đường cấp AH; trải nhựa hoặc bê tông 27,8km đường xã, liên xã; 73km đường thôn, xóm; 100km đường sản xuất được trải vật liệu cứng và bê tông, trong đó có 80% các tuyến đường được trải bê tông - xi măng đạt tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn loại A. Để thực hiện đạt mục tiêu trên, huyện Ân Thi tập trung thực hiện một số giải pháp như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xã hội hóa, phát huy nguồn lực trong nhân dân để đầu tư xây dựng đường giao thông; phát huy tốt quy chế dân chủ trong đầu tư xây dựng. Ngoài ra, huyện tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, nguồn vốn của các chương trình, dự án; đồng thời hoàn thiện quy hoạch giao thông trên địa bàn huyện.

Cùng với nhân dân các địa phương tham gia xây dựng đường GTNT, các hội, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã tích cực vận động hội viên ủng hộ ngày công, vật chất để xây dựng đường GTNT tại địa phương. Trong 9 tháng qua, cán bộ, hội viên phụ nữ trong tỉnh đã đóng góp, ủng hộ trên 19 tỷ đồng, hơn 18 nghìn ngày công và hiến hơn 28 nghìn m2 đất làm đường giao thông. Hội Nông dân các cấp vận động hội viên đóng góp trên 29,4 tỷ đồng, hiến hơn 22,3 nghìn m2 đất và hơn 29,5 nghìn ngày công để làm mới, sửa chữa 142 km đường giao thông nông thôn. Hội Cựu chiến binh các cấp đóng góp hơn 3,8 tỷ đồng ủng hộ xây dựng nông thôn mới, hiến hơn 3,8 nghìn m2 và hơn 5,7 nghìn ngày công lao động để làm đường GTNT và xây dựng các công trình công cộng.

Theo báo cáo của Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, trong 9 tháng qua, UBND tỉnh đã phân bổ 350 tỷ đồng cho các huyện, thành phố và các xã để cải tạo, nâng cấp khoảng 200 km đường GTNT; kinh phí hỗ trợ xi măng làm đường GTNT của tỉnh hỗ trợ các địa phương trong năm 2016 là 46,7 tỷ đồng, các xã đã giải ngân được hơn 9,7 tỷ đồng. Để thực hiện đạt kế hoạch làm đường GTNT theo cơ chế hỗ trợ của tỉnh, các địa phương đang tích cực chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thành trong những tháng cuối năm.

Với việc tập trung thực hiện đề án phát triển GTNT và chương trình hỗ trợ xi măng làm đường GTNT của tỉnh, đến nay các tuyến đường do huyện quản lý được cứng hóa đạt tỷ lệ 100%, tuyến đường xã quản lý đạt tỷ lệ 88%, thôn quản lý đạt tỷ lệ 87,1%, trong đó hầu hết được trải nhựa và bê tông; toàn tỉnh có 115/145 xã đạt tiêu chí GTNT trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

kimcuc

Nguồn: Báo Hưng Yên

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)