Đường trong dân

Thứ năm, 02/02/2017 11:59
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sức dân đã góp phần biến bao lối đi chằng chịt, nắng bụi mưa lầy trở thành những tuyến giao thông nông thôn (GTNT) kiên cố. Làng quê sang trang từ khi có những con đường bê tông dọc ngang.

Cơ chế 19

Trước ngày Quảng Nam tái lập (năm 1997), phần lớn GTNT vẫn là đường đất. Đơn cử như Gò Nổi (Điện Bàn), vùng đất “ngũ phụng tề phi” bao đời nổi tiếng về sản xuất nông nghiệp nhờ đất đai màu mỡ, nông dân đã có trình độ thâm canh song chưa thể giải bài toán thoát nghèo cũng bởi giao thông ách tắc. Để “mở đường” phát triển, Điện Bàn đã tập trung kiên cố hóa GTNT, bằng cách huy động người dân đóng góp ngày công. Khi chủ trương đưa xuống, người dân đã hưởng ứng nhiệt tình và sẵn sàng tham gia, đóng góp tiền của, công sức để mở đường…

Giao thông nông thôn vươn tới tận các cánh đồng

Thành công từ huy động sức dân ở Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc và một vài địa phương khác là cơ sở để ngày 13/4/2001, UBND tỉnh Quảng Nam ra Quyết định số 19/2001/QĐ-UB, ban hành quy chế về quản lý tài chính kiên cố hóa kênh mương và GTNT trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Cơ chế 19) với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” theo phương thức tỉnh hỗ trợ 30%, huyện hỗ trợ 20% còn lại do địa phương và nhân dân đóng góp. Từ ngày có cơ chế đặc biệt này, khắp các vùng quê Quảng Nam như ngày hội, người dân không kể già trẻ, trai gái đều hăng hái tham gia làm đường. Mạng lưới GTNT cứng hóa hình thành, vươn ra tận đồng lúa, biền bãi hoa màu, thúc đẩy nông nghiệp phát triển, giảm chi phí sản xuất, giá trị hàng hóa được nâng cao. Chương trình kiên cố hóa GTNT giai đoạn 2001 - 2008 tạo nên bước đột phá với 2.096km được hoàn thành; tổng kinh phí 572 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 287 tỷ đồng. 

Nguyên Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng Đại Lộc - ông Lê Tấn Ngọc nhận xét, Cơ chế 19 thật sự đã đi vào cuộc sống, “điểm” đúng nhu cầu bức xúc ở nông thôn. Kiên cố hóa mạng lưới GTNT góp phần giải quyết hàng loạt vấn đề về kinh tế - xã hội, an ninh trật tự. Giá trị đất đai, nhà cửa vùng nông thôn được tăng lên. Ông Võ Hồng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá: “Tôi cho rằng, đây là cuộc diễn tập huy động sức dân có quy mô lớn ở nông thôn nhằm xây dựng nông thôn mới. Là bài học công tác dân vận trong thời bình”.

Phát huy thành quả

Cái hay của chương trình kiên cố GTNT là mô hình 3 không: không có chủ đầu tư, không có giải tỏa đền bù và không có ban quản lý dự án. Tính chung giai đoạn 2000 - 2009, toàn tỉnh Quảng Nam thực hiện đạt 2.536km. Cơ chế 19 đem lại cho nông thôn diện mạo mới, nhưng chương trình vẫn bộc lộ một số hạn chế khi địa phương vận dụng cơ chế một cách ồ ạt, nóng vội, không lường trước được sự bùng lên mạnh mẽ từ sức dân dẫn đến ngân sách các cấp mất cân đối. Vì vậy “Đề án Phát triển GTNT giai đoạn 2010 - 2015” được HĐND tỉnh thông qua đặt ra những giải pháp khắc phục tồn tại trong Cơ chế 19, đồng hành xây dựng nông thôn mới.

Sau 6 năm triển khai đề án, “Nhà nước và nhân dân cùng làm” 1.552km đường GTNT, xây dựng 2.386 cống các loại. Tổng chiều dài đường GTNT trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã kiên cố hóa nâng từ 2.766km lên 4.318km trong tổng số 6.411km (từ 49% lên 67,3%); kinh phí đầu tư là 970,7 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 335,7 tỷ đồng. Phú Ninh, Núi Thành, Tiên Phước và đặc biệt là Thăng Bình là những địa phương trước đây người dân chưa hưởng ứng tích cực thì từ sau có đề án mới đã “trỗi dậy” mạnh mẽ, cùng góp sức xây dựng GTNT. Nông nghiệp Thăng Bình đổi thay nhanh chóng, giá cả nông sản bán ra tại chân ruộng tăng gấp 3 lần so với thời kỳ giao thông cách trở. Lão nông Lê Văn Cảnh ở xã Bình Đào hào hứng nói: “Nhìn những con đường phẳng lỳ băng qua cánh đồng xanh lá, vượt qua bãi cát thấy mà sướng con mắt, mát cái bụng”.

Sau một thời gian triển khai, nhu cầu của các địa phương đều “vượt khung” đối ứng của tỉnh Quảng Nam vì GTNT được xem là một trong những lời giải đúng nhất cho bài toán xóa đói giảm nghèo. Phát triển GTNT cũng được xem là bước đột phá xây dựng nông thôn mới. Đánh giá cao tính hiệu quả của “Đề án phát triển GTNT giai đoạn 2010 - 2015”, HĐND tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết số 159/2015/NQ-HĐND về phát triển GTNT giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu kiên cố hóa 571km đường GTNT, trong đó ưu tiên cho các xã đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2020, những huyện miền núi có tỷ lệ kiên cố hóa đường GTNT còn thấp. Các tuyến GTNT sau này không chỉ đơn thuần phục vụ đi lại mà còn tạo không gian kiến trúc, môi trường sinh hoạt ở nông thôn...

Công cuộc “mở đường” phát triển bằng khát vọng đổi thay của chính người dân rồi đây sẽ tiếp tục vươn đến nhiều vùng quê nghèo. Nói như Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu, “chúng tôi tin tưởng chương trình sẽ về đích đúng hạn vì có hậu thuẫn rất lớn của quần chúng nhân dân”.

hoavt

Nguồn: Báo Quảng Nam

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)