Việc đầu tư cải tạo, mở rộng đường giao thông nông thôn là việc làm hết sức cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi để người dân đi lại, giao thương, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, tại Khu 9, xã Đồng Luận, huyện Thanh Thủy sau khi đoạn đường Tỉnh lộ 317A được đầu tư xây dựng, đường gom dân sinh được mở ra thì cột điện lại nằm giữa lòng đường, gây cản trở và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông, mất mỹ quan đô thị.
Cột điện “án ngữ” giữa đường gây mất an toàn giao thông trong khu
Năm 2013, được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, đường Tỉnh lộ 317A chạy qua Khu 9 hoàn thiện, đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại khiến người dân vui mừng, phấn khởi. Nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, dự án đã tiến hành xây dựng tường kè đê, mở đường gom dân sinh rộng gần 3m, có chiều dài trên 150m. Tuy nhiên cũng từ đó, hàng cột điện nằm sát lề đường lại thành giữa đường gom dân sinh do đơn vị thi công không tiến hành di chuyển cột điện ra khu vực khác đã làm cản trở và gây mất an toàn giao thông, mỹ quan đô thị. Nhiều vụ va chạm và tai nạn giao thông dẫn đến gãy tay, gãy chân đã xảy ra tại đây, nhất là vào buổi tối gây nguy hiểm đến tính mạng của người tham gia giao thông cũng như việc đi lại của các em học sinh.
Ông Nguyễn Sỹ Thủy, Khu 9, xã Đồng Luận cho biết: “Khi con đường này được mở ra, người dân chúng tôi rất đồng tình ủng hộ, hiến đất, nhận đền bù giải phóng mặt bằng tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị thi công làm nhiệm vụ. Sau khi hoàn thành, không biết lỗi tại đơn vị thi công, chủ đầu tư hay chính quyền các cấp bỏ sót những cột điện hạ thế ở giữa đường như thế này. Từ chỗ đường gom dân sinh tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân thì lại trở thành cái bẫy cho những vụ va chạm giao thông. Người lớn và trẻ nhỏ đi lại rất vất vả nhất là vào buổi tối tầm nhìn bị che khuất, rất nguy hiểm đến tính mạng của người dân chúng tôi…”
Nhiều hộ dân tự chế những cái thang để chèo lên đê
vận chuyển thóc, lúa vào nhà gây mất an toàn giao thông
Không chỉ gây mất an toàn giao thông, mất mỹ quan đô thị mà chính những cột điện “án ngữ” giữa đường như thế này còn cản trở việc giao thương hàng hóa cũng như các sự việc của mỗi người dân trong khu. Điển hình như việc thu hoạch đồng áng thay vì đường rộng, xe chở về tận sân nhà thì người dân phải để trên đê sau đó vận chuyển thủ công vào nhà cách vài trăm mét. “Nhiều lần tiếp xúc cử tri hoặc các kỳ họp HĐND các cấp chúng tôi đã có kiến nghị lên các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý, di chuyển những cột điện này ra mép đường giúp nhân dân nhưng hơn 3 năm nay vẫn chưa có chuyển biến gì, chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời, cột điện thì vẫn “án ngữ” tại đây” - ông Bùi Quang Bạch - Trưởng khu dân cư số 9, xã Đồng Luận bộc bạch.
Ông Trần Minh Hoàn - Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Luận cho biết: “Trước thực trạng trên, người dân Khu 8, Khu 9 nói riêng và chính quyền xã Đồng Luận nói chung đã nhiều lần có ý kiến lên cơ quan chức năng, huyện Thanh Thủy đã cử cán bộ xuống khảo sát, xem xét, đo đạc, thu thập ý kiến; tuy nhiên, đến nay tình trạng trên vẫn chưa được giải quyết. Hiện nay, chúng tôi không biết trách nhiệm thuộc về ai, về phía đơn vị thi công, chủ đầu tư hay phía điện lực. Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt hơn nữa để tìm ra biện pháp xử lý kịp thời, nhanh chóng khắc phục tình trạng trên; góp phần để người dân thuận lợi trong phát triển sản xuất, giao thương hàng hóa, đi lại thuận tiện, tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra…”
Để người dân có thể yên tâm phát triển kinh tế, đi lại thuận tiện, rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cơ quan chức năng để giải quyết dứt điểm tình trạng trên nhưng trước mắt cần lắp đặt các biển báo hiệu tạm thời và hệ thống đèn chiếu sáng phù hợp vào ban đêm để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.