Từ nguồn hỗ trợ kinh phí của Trung ương, thành phố và ngân sách huyện, đến nay trên địa bàn huyện Hòa Vang đã được đầu tư tổng số 33 cây cầu lớn, nhỏ. Trong đó, có 11 cây cầu được đầu tư trong 5 năm trở lại đây.
Cầu Bà Quyền giúp phát triển kinh tế và an sinh cho người dân hai thôn Bắc An và Thạch Bồ, xã Hòa Tiến
Cầu mới nhất vừa được khánh thành đưa vào sử dụng là cầu Mùn (năm 2015), nằm trên tuyến đường liên thôn Cẩm Toại Đông (xã Hòa Phong) nối với đường liên thôn La Châu (xã Hòa Khương) với quy mô rộng 5,5m, dài 24m; tổng kinh phí đầu tư xây dựng gần 4,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách huyện. Trước đó, hàng loạt cây cầu đã được đưa vào sử dụng: cầu Hội Yên (xã Hòa Bắc), cầu Sông Yên (Hòa Tiến - Hòa Phong), cầu Tà Lang - Giàn Bí (xã Hòa Bắc), cầu Diêu Phong (Hòa Nhơn - Hòa Phú), cầu Trường Định (xã Hòa Liên).
Trong đó, Diêu Phong và Trường Định là 2 trong 5 cây cầu được thành phố đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện với kinh phí gần 60 tỷ đồng. Nếu cầu Tà Lang – Giàn Bí được ưu tiên thi công trước vì chính sách dân tộc đối với người Cơ tu thì xếp sau đó là cầu Sông Yên, cây cầu nối liền trung du và đồng bằng, tạo thế phát triển bền vững cho Hòa Vang.
Anh Nguyễn Văn Bửu, chuyên viên Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Hòa Vang cho biết: “Các cây cầu đã mang lại hiệu quả rất lớn đối với sự phát triển kinh tế của địa phương. Thứ nhất, giao thông được hoàn chỉnh, tạo sự kết nối, thông suốt trong việc đi lại giữa các khu dân cư bị chia cắt với trung tâm xã, trung tâm huyện và các khu vực lân cận.
Thứ hai, việc đi lại của người dân được thông thương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc làm ăn, buôn bán,... nâng cao thu nhập góp phần phát triển kinh tế của địa phương. Thứ ba, bảo đảm thuận lợi trong công tác cứu nạn, cứu hộ và di chuyển của người dân trong các mùa mưa, bão”.
Mỗi khi có một cây cầu mới hoàn thành, đời sống người dân địa phương mở ra một trang sử mới. Giá trị của cây cầu không hẳn ở kinh phí tiền tỷ mà là hiệu quả an sinh xã hội do nó mang lại, thể hiện được sự quan tâm của Nhà nước đối với cuộc sống người dân ở nơi heo hút nhất. Trưởng ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hòa Vang Trần Cảnh Quy ví dụ như hai cây cầu ở Hòa Bắc.
Cầu Khe Răm dài 48m, rộng 6m, được xây dựng với kinh phí gần 11 tỷ đồng để vừa mang lại sự an sinh cho 47 hộ dân thôn An Định, vừa phục vụ tuyến Thủy Tú đi Trung tâm 05-06; cầu Hội Yên dài 36m, rộng 3m, vốn đầu tư cũng chỉ trên 1,3 tỷ đồng, bắc qua khe Hội Yên, nối hai thôn An Định và Nam Yên. Có cầu, người dân không phải xắn quần bì bõm lội nước.
Đối với những công trình cầu có kết cấu nhỏ, kinh phí đầu tư thấp nhưng hiệu quả được đánh giá là rất cao và thiết thực đối với đời sống của nhân dân có thể kể thêm hai cây cầu ở xã Hòa Khương. Cầu Gò Đá, giá trị đầu tư chỉ 50 triệu đồng, nhưng bà con thôn 4 đã được an toàn trong đi lại; cầu Bàu Sen, 100 triệu đồng, phục vụ sản xuất nông nghiệp cho nhân dân thôn La Châu.
Gần đây nhất, cầu Bà Quyền (cầu Bắc An) được xây dựng với kinh phí 1,5 tỷ đồng, đưa vào sử dụng cuối năm 2016, nối hai thôn Bắc An và Thạch Bồ xã Hòa Tiến. Bà Trần Thị Hương, nhà ở đầu cầu phía Thạch Bồ nói rằng đây là lần thứ 3 cầu được nâng cấp, tránh tình trạng ngập lụt mùa mưa. Tết Đinh Dậu vừa rồi, bà con đi lại không phải lo sợ như trước.
Sau khi khánh thành, những cây cầu lớn, nhỏ các loại đã góp phần phục vụ cho lợi ích chính đáng của người dân. Trước đây, khi có cầu hoặc chưa nâng cấp cầu, việc đi lại khó khăn, việc đưa các phương tiện máy móc, thiết bị cơ giới vào phục vụ sản xuất rất khó khăn, thậm chí là không thể, nên hiệu quả thường không cao.
Sau khi các cầu này được hình thành người dân hết sức phấn khởi và mong muốn thời gian đến, Nhà nước tiếp tục quan tâm, hỗ trợ kinh phí để đầu tư xây dựng nhiều cầu hơn nữa nhằm góp phần đưa hiệu quả việc xây dựng nông thôn mới ngày càng phát triển bền vững.