Thực hiện Chương trình hỗ trợ xi măng xây dựng đường giao thông, tại huyện An Lão, 90% các tuyến đường ngõ, xóm được bê tông hóa, sạch đẹp và thuận tiện. Trong khi đó, với đường giao thông nội đồng, do khó khăn trong huy động vốn đối ứng, hầu hết các xã đều đang trầy trật triển khai với tiến độ chậm.
Ảnh minh họa
Quy hoạch xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Trường Thọ, huyện An Lão có tổng số 42,4km đường giao thông cần bê tông hóa. Trong đó, có 34,1km đường ngõ, xóm và 8,3km đường nội đồng. Hết năm 2016, 100% số đường ngõ, xóm của xã được hoàn thành theo tinh thần “nhà nước và nhân dân cùng làm”, thành phố hỗ trợ xi măng, người dân địa phương đóng góp ngày công, cát, đá, sỏi… Nhưng với đường nội đồng, hiện mới bê tông hóa được 3,8/8,3km.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Trường Thọ Nguyễn Văn Oanh cho biết, 4,5km đường nội đồng còn lại đang “nằm chờ” do khó khăn trong huy động nguồn vốn đối ứng dù đều đã được mở rộng, đào đắp cốt nền. UBND huyện An Lão thông báo yêu cầu đăng ký khối lượng xi măng hỗ trợ làm đường giao thông năm 2017 đối với từng xã, nhưng xã Trường Thọ không đăng ký, do có xi măng mà không huy động được nguồn vốn đối từ người dân thì cũng không thể triển khai. Khi thực hiện bê tông hóa 3,8 km đường nội đồng nêu trên, xã vận động đóng góp từ nhiều nguồn, trong đó huy động các hộ có ruộng đóng góp 300 nghìn đồng/sào/hộ, hộ nhiều nhất có 10 sào ruộng, hộ ít nhất từ 1,5-2 sào ruộng. Bây giờ tiếp tục huy động nhân dân đóng góp e là quá sức…
Cũng gặp khó khăn tương tự là xã Quang Hưng. Chủ tịch UBND xã Lê Văn Hải cho biết, với chương trình hỗ trợ xi măng của thành phố, đến nay, 9,2 km đường ngõ, xóm tại địa phương cơ bản hoàn thành bê tông hóa, nhưng việc triển khai với đường giao thông nội đồng khá gian nan vì không huy động được nguồn vốn đối ứng. Hiện, xã mới có 1,2km đường nội đồng được bê tông hóa, 2km được đào đắp cốt nền, 6,8km còn lại là các bờ ruộng nhỏ. Ngoài một phần kinh phí vận động đóng góp từ người dân có ruộng, việc huy động nguồn xã hội hóa đối với Quang Hưng hết sức khó khăn do trên địa bàn không có doanh nghiệp hoạt động.
Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện An Lão Trần Cao Sơn, khó khăn trong huy động nguồn vốn đối ứng trong xây dựng đường giao thông nội đồng là vướng mắc chung của nhiều xã trên địa bàn huyện. Mặc dù, các văn bản hướng dẫn yêu cầu, ưu tiên xây dựng đường giao thông nội đồng trước, nhưng hầu hết các địa phương đều tập trung xây dựng đường giao thông ngõ, xóm do việc huy động nguồn lực thuận lợi hơn. Để xây dựng 1km đường nội đồng với chiều rộng nền đường từ 2-3m không đơn giản do các khâu đào đắp cốt nền, cát đá, nhân công… cần nguồn kinh phí lớn. Năm 2017, tổng khối lượng xi măng hỗ trợ của huyện An Lão đăng ký với thành phố là 11.556 tấn, thực hiện bê tông hóa 57,97km đường giao thông các loại. Trong đó, số xi măng đăng ký làm đường nội đồng chỉ có 3.657,7 tấn, tương ứng 24,57km, trong khi số km đường nội đồng cần bê tông hóa của cả huyện còn gấp 3 lần con số này, chưa có nguồn lực để triển khai.
Trước khó khăn trên, các xã trên địa bàn huyện An Lão đang tích cực tuyên truyền, huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân, vận động bà con đóng góp ngày công lao động, hiến đất làm đường; kêu gọi doanh nghiệp và tìm kiếm thêm nhiều nguồn xã hội hóa để tăng cường nguồn lực vốn đối ứng đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, nhất là đường giao thông nội đồng. Các địa phương mong muốn, ngoài xi măng, UBND huyện An Lão và thành phố có cơ chế hỗ trợ một phần vật liệu giúp các xã giải quyết khó khăn, đẩy nhanh tiến độ bê tông hóa các tuyến đường giao thông nội đồng, phục vụ hoạt động sản xuất của người dân.