Xác định giao thông nông thôn (GTNT) là lĩnh vực quan trọng cần được ưu tiên đầu tư và đi trước một bước để tạo tiền đề cho phát triển KT - XH, những năm qua, tỉnh Cao Bằng đã chủ động tập trung mọi nguồn lực đầu tư mở mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống GTNT toàn tỉnh. Song, để xây dựng hệ thống GTNT liên hoàn, chất lượng cần có giải pháp đồng bộ.
Tuyến đường huyện từ thị trấn Tà Lùng - Nà Chích - Hắt Pắt - Nà Thúng (Hạ Lang)
hiện đang xuống cấp trầm trọng, gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông
Toàn tỉnh hiện có hơn 1.539km đường huyện, 60,3km đường nội thị, đô thị, 2.673km đường xã. Để đầu tư phát triển hạ tầng GTNT, từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã đầu tư, kêu gọi đầu tư trên 1.800 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp 414km đường huyện, 40km đường xã, 702,1km đường thôn xóm… Đường huyện phần lớn là GTNT A và B, mặt đường hẹp, tỷ lệ bê tông xi măng đạt 4,76%, nhựa hóa đạt 36,9%, cấp phối 36,79%, còn lại là đường đất. Đường xã tỷ lệ bê tông xi măng đạt 12,55%, nhựa hóa đạt 2,58%, cấp phối 52,55%, còn lại là đường đất. Song, do địa hình phức tạp, nguồn lực đầu tư còn hạn chế nên chất lượng hạ tầng GTNT của tỉnh hiện chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển KT - XH địa phương; quy mô kỹ thuật nhiều tuyến đường chưa đạt tiêu chuẩn, đã quá chu kỳ cải tạo, chất lượng các tuyến đường còn thấp, một số tuyến từ lâu không được nâng cấp và hiện đang xuống cấp trầm trọng.
Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Bảo Lạc, Cao Bằng Hoàng Văn Mão cho biết: Từ chủ trương ưu tiên phát triển giao thông, hằng năm, huyện dành trên 80% vốn xây dựng cơ bản đầu tư cho GTNT. Các địa phương đã huy động nhân dân đóng góp hàng nghìn ngày công lao động/năm, hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng, nguyên vật liệu... Nhưng do địa hình phức tạp, trong khi việc huy động nguồn lực cho phát triển GTNT còn hạn chế, vì vậy, đến nay toàn huyện mới có 26,13% đường huyện được nhựa hóa; 0,74% đường xã được bê tông hóa, 29,15% đường xã được trải cấp phối; trên 80% đường thôn, bản xe tải nhẹ, xe máy đi được.
Cùng với Bảo Lạc, huyện Phục Hòa cũng phải đối mặt tình trạng xuống cấp trầm trọng của nhiều tuyến GTNT. Toàn huyện hiện có 7 tuyến đường huyện với tổng chiều dài 78,863km; 87 tuyến đường xã với tổng chiều dài 228,803km. Tình trạng mặt đường, hệ thống thoát nước các tuyến đường huyện, đường xã trên địa bàn huyện hiện ở mức trung bình, xấu, trong khi vốn cấp cho cải tạo, sửa chữa GTNT hằng năm chỉ đáp ứng được 5 - 10% nhu cầu thực tế. Đến nay, huyện chỉ có 22,47/78,863km đường huyện được bê tông xi măng, bê tông nhựa, đá dăm láng nhựa; còn lại là đường cấp phối, đường đất. Đối với đường xã, tỷ lệ mặt đường bê tông xi măng, bê tông nhựa chỉ chiếm 8,7%, còn lại là đường cấp phối, đường đất. Qua nhiều năm đưa vào sử dụng không được nâng cấp dẫn đến nhiều tuyến GTNT xuống cấp, gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Điển hình là tuyến đường huyện từ thị trấn Tà Lùng - Nà Chích - Hắt Pắt - Nà Thúng (Hạ Lang) dài 18,5km hiện đang xuống cấp trầm trọng. Ông Trương Thanh Sàng, xóm Nà Chích - Pác Liêng, xã Đại Sơn (Phục Hòa) bức xúc: Do lượng phương tiện chở hàng quá tải qua lại đông, cộng với tuyến đường nhiều năm không được nâng cấp, sửa chữa dẫn đến mặt đường xuất hiện dày đặc “ổ gà”, “ổ voi” gây khó khăn cho đi lại của người dân, việc học hành của con em bị ảnh hưởng. Mong tỉnh sớm bố trí kinh phí đầu tư nâng cấp tuyến đường để nhân dân đi lại thuận tiện hơn, nhất là vào mùa mưa lũ.
Theo đồng chí Trịnh Thị Thảo, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GTVT, giai đoạn 2006 - 2015 tỉnh có quy hoạch phát triển GTNT đối với 12 huyện (trừ Thành phố). Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, các quy hoạch đã bộc lộ nhiều điểm không phù hợp với thực tế phát triển của các địa phương. Một số huyện đầu tư mở mới giao thông nhưng không bám sát quy hoạch được phê duyệt, do đó chưa tạo thành hệ thống giao thông liên hoàn, chưa đáp ứng được yêu cầu đi lại và phát triển KT - XH của khu vực nông thôn, nhất là vùng sâu, biên giới. Tháng 7/2014, Sở GTVT có tờ trình về việc xin chủ trương lập quy hoạch GTNT gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2015 - 2020, nhưng UBND tỉnh chưa phê duyệt. Vì vậy, quy hoạch GTNT bị gián đoạn và không có quy hoạch cụ thể, chi tiết cho phát triển GTNT giai đoạn tiếp theo. Bên cạnh đó, trong Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh giai đoạn 2020, tầm nhìn năm 2030 mới chỉ đề cập đến phát triển mạng lưới đường tỉnh mà không đề cập đến phát triển GTNT.
Ngoài ra, đối với công tác bảo trì đường bộ, UBND tỉnh Cao Bằng chỉ giao vốn bảo dưỡng thường xuyên, không giao vốn sửa chữa định kỳ. Nguyên nhân của việc không giao vốn trên là do đơn vị quản lý đường không lập kế hoạch sửa chữa định kỳ và địa phương không cân đối được ngân sách. Vì vậy, thay vì lập dự toán từ tháng 10 năm trước, đến tháng 9 - 10 năm sau, các địa phương tự ý xin vốn, dẫn đến tồn tại cơ chế xin cho đối với công tác bảo trì đường bộ.
Để phát triển GTNT theo Nghị quyết số 72/NQ-HĐND ngày 8/12/2016, giai đoạn 2017 - 2020, toàn tỉnh cần trên 2.539,7 tỷ đồng, trong đó, nhu cầu đầu tư xây dựng cần trên 2.433,7 tỷ đồng, chiếm trên 95,8% tổng nhu cầu vốn. Đường huyện cần trên 1.136 tỷ đồng mở mới 44km, láng nhựa 273,3km, bê tông xi măng trên 138,8km; đường xã cần trên 901,5 tỷ đồng đầu tư mở mới 31,6km đường, láng nhựa 41,6km, bê tông xi măng trên 731,8km; đường thôn xóm, nội đồng cần 268,3 tỷ đồng để bê tông xi măng 1.752,6 km và trên 127,7 tỷ đồng nâng cấp, sửa chữa 96 cầu dân sinh. Ngoài ra, tỉnh cần trên 105,9 tỷ đồng để bảo trì 6.021 km đường huyện và đường xã. Đây là số tiền tương đối lớn đối với tỉnh nghèo (hiện nay vốn đầu tư hạ tầng giao thông của tỉnh trông chờ chính vào nguồn ngân sách từ Trung ương vì nguồn thu của tỉnh rất thấp).
Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, ngoài việc tiếp tục kiến nghị và chờ đợi sự hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh đang có kế hoạch từng bước triển khai xã hội hóa trong đầu tư, quản lý, khai thác sử dụng giao thông vận tải; phát huy nội lực, thu hút mọi thành phần kinh tế dưới nhiều hình thức tham gia đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Từ năm 2017, UBND tỉnh thực hiện cơ chế mới vay trước xi măng của các nhà máy để hỗ trợ các địa phương làm đường, sau đó bố trí trả nợ từng năm theo hợp đồng vay và khả năng cân đối ngân sách địa phương. Đồng thời, các huyện, Thành phố nghiêm túc thực hiện hiệu quả việc quản lý, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo phân cấp; cơ quan chức năng nghiên cứu, lập quy hoạch mạng lưới GTNT trên địa bàn tỉnh, làm căn cứ cho việc đầu tư phát triển mạng lưới đường hợp lý, hiệu quả. Sở Tài chính phối hợp Sở GTVT có giải pháp xác định số km đường bộ hằng năm cần duy tu làm cơ sở giao kinh phí theo quy định tại Nghị quyết số 68/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, tránh tình trạng có tuyến đường đã được đầu tư đưa vào sử dụng nhưng không được giao kinh phí duy tu, dẫn đến xuống cấp nhanh, giảm hiệu quả nguồn vốn đầu tư.
Đối với UBND các huyện, Thành phố sử dụng đúng mục đích nguồn kinh phí được giao để duy tu, sửa chữa thường xuyên đường bộ hằng năm; nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát thi công… Hy vọng, bằng các giải pháp đồng bộ trên, chất lượng hạ tầng GTNT của tỉnh những năm tiếp theo sẽ từng bước được nâng lên.