Quản lý giao thông nông thôn ở thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái): Cần trách nhiệm từ nhiều phía

Thứ tư, 13/09/2017 08:23
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Năm 2011, thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái đã đưa vào triển khai Đề án Phát triển giao thông nông thôn (GTNT) trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2015 theo Quyết định số 217 của UBND tỉnh. Ngay trong năm 2012, thị xã đã bê tông hóa gần 12km, mở mới hàng chục km đường đất.

Đường vào thôn Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi bị sạt lở nghiêm trọng

Đường vào thôn Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi bị sạt lở nghiêm trọng

Đến năm 2015, thị xã đã thực hiện 25 công trình phát triển  GTNT tại 7 xã phường trên địa bàn thị xã quản lý. Với hơn 5,9km đường bê tông, mở mới hơn 6km đường đất… Tổng mức đầu tư trên 8,6 tỷ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước đầu tư hỗ trợ trên 4,7 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 1,4 tỷ đồng và huy động nhân dân đóng góp hơn 3,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, sau một thời gian đưa vào sử dụng, nhiều tuyến đường GTNT đã xuống cấp và gây khó khăn cho nhân dân khi tham gia giao thông.

Thôn Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi được thị xã chọn để xây dựng điểm du lịch cộng đồng trong Đề án Xây dựng thị xã Văn hóa - Du lịch Nghĩa Lộ giai đoạn 2013 - 2020. Đây là địa điểm được du khách nước ngoài yêu thích vì có khung cảnh đẹp, nguyên sơ của đồng bào dân tộc Thái Tây Bắc. Nhưng gần 50m đường trên bờ kè của con suối Thia đã bị trận lũ năm 2016 làm sạt lở hoàn toàn. Nhiều chỗ bị nước khoét thành hố sâu so với mặt đường bê tông 3 m. Rất nhiều người dân qua lại con đường này đã bị thương.

Ông Lường Văn Hà - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lợi cho biết: "Từ khi con đường bị nước lũ cuốn trôi, có một vài cơ quan chức năng đến kiểm tra và cũng có kế hoạch để sửa lại nhưng đến nay sau hơn 1 năm không thấy thực hiện. Người dân trong thôn Sà Rèn cũng đề nghị với xã để sửa lại nhưng tính ra mất cả vài tỷ đồng. Đối với xã, số tiền này quá lớn, không thể làm được”.

Theo quy định, phân cấp của UBND tỉnh Yên Bái, đường huyện do UBND huyện quản lý, đường xã, thôn, xóm do UBND xã và các thôn, xóm quản lý, bảo trì. Kinh phí cho công tác bảo trì đường bộ được yêu cầu UBND các huyện, xã bố trí ít nhất 10% kinh phí trong nguồn sự nghiệp kinh tế của ngân sách huyện, ngân sách xã để thực hiện. Trên thực tế, nguồn vốn cho công tác bảo trì trích từ ngân sách huyện, xã thực sự còn quá khiêm tốn để có thể đáp ứng hiệu quả.

Trước mắt, để quản lý, bảo dưỡng đường GTNT ở nhiều địa phương căn cứ vào địa bàn thực tế  đã có những cách làm hay, quản lý bảo dưỡng có hiệu quả. Ngay tại xã Nghĩa Lợi cũng triển khai các mô hình tự quản như mô hình phụ nữ tham gia bảo trì đường GTNT với khẩu hiệu "Làm sạch từ gầm sàn ra đường làng”. Các hoạt động này không chỉ góp phần bảo vệ các tuyến đường giao thông mà còn giữ gìn vệ sinh môi trường. Bà con còn có nhiều quy ước chặt chẽ về hình thức xử phạt nếu làm hư hại các tuyến đường bê tông.

Hiện tại, ở đầu các tuyến đường đều cắm biển chỉ cho xe cơ giới dưới 8 tấn đi vào. Hay như mô hình tổ dân phố 7, phường Pú Trạng cũng cần được các cấp, ngành quan tâm. Tổ dân phố đã họp và quy định các hộ dân tự giác bảo vệ các tuyến đường đi qua khu vực nhà mình.

Cùng với đó, mỗi tuần một lần, các hộ phải cử người tham gia tổng vệ sinh, khơi thông cống rãnh trên các trục đường liên thôn và nội thôn. Nhờ đó, đường được giữ nhờ ý thức tự quản cao của bà con trong tổ dân phố.

Để những con đường sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng bền, đẹp, thuận tiện giúp người dân tham gia giao thông, các địa phương cũng nên xây dựng hướng dẫn các xã, phường đưa nội dung quản lý đường liên thôn, đường bê tông vào hương ước của thôn, bản, tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia tích cực trong việc bảo vệ và duy tu, sửa chữa đường.  
 

kieuanh

Nguồn: Báo Yên Bái

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)