Lào Cai: Phát triển giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới

Thứ sáu, 08/12/2017 09:16
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Xây dựng đường giao thông nông thôn với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã và đang mang lại những kết quả tích cực, số lượng các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai ngày càng tăng, góp phần không nhỏ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

 Tích cực vào cuộc

Giao thông nông thôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình xây dựng nông thôn mới, được ưu tiên dành nhiều nguồn lực để đầu tư. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên toàn tỉnh đã huy động được sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong việc hiến đất, di chuyển công trình, đóng góp tiền mặt, vật liệu xây dựng, ngày công…. Giai đoạn 2011- 2016, toàn tỉnh đã thực hiện đầu tư và nâng cấp 3.186km đường giao thông nông thôn, trong đó, 1.547km đường bê tông xi măng, 547 đường cấp phối, 625km đường mở mới, 466 km đường ngõ xóm được cứng hóa và đã có 44 xã đạt chuẩn nông thôn mới về giao thông (tiêu chí số 2).

Để huy động sức mạnh của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân tham gia, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2017 và những năm tiếp theo đạt hiệu quả, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch năm 2017, trong đó có nhiệm vụ tiếp tục phát triển mạng lưới đường giao thông nông thôn, đảm bảo thuận lợi cho lưu thông, thúc đẩy giao thương hàng hóa, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

Nhân dân tham gia làm đường GTNT ở huyện Bát Xát

Theo đó, là đơn vị được phân công nhiệm vụ triển khai thực hiện tiêu chí về giao thông Sở GTVT tỉnh đã nỗ lực phối hợp với Văn phòng điều phối nông thôn mới và các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện tiêu chí số 2; cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành đến hết tháng 11/2017, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện được trên 591km đường giao thông nông thôn, trong đó, đường bê tông xi măng đạt trên 317km; rải cấp phối gần 178km; mở mới được 96km.

Khảo sát thực tế cho thấy, các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới đều có đường ô tô đến trung tâm xã và từ trung tâm xã đến các thôn được rải nhựa hoặc đổ bê tông đảm bảo chất lượng tốt, đường trục chính nội đồng và đường ngõ xóm cơ bản được cứng hóa không bị lầy lội trong mùa mưa. Hệ thống đường giao thông nông thôn được xây dựng đã trở thành động lực quan trọng cho phát triển kinh tế, xã hội, làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn; điều kiện phục vụ sản xuất thuận lợi hơn, sản phẩm của nông dân được thông thương tiêu thụ tốt hơn, năng suất, chất lượng và giá cả đều nâng lên rõ rệt.

Nỗ lực vượt khó

Một điều dễ nhận thấy, trong quá trình xây dựng đường giao thông nông thôn, các xã đã chủ động lựa chọn các tuyến đường dễ và những tuyến đường tập trung đông dân cư để làm trước. Do đó, đến nay việc triển khai xây dựng đường giao thông nông thôn đã bộc lộ một số khó khăn nhất định: trong nhiều năm triển khai xây dựng đường giao thông nông thôn đã phải huy động nguồn lực từ người dân là khá lớn, mặt khác các tuyến đường triển khai xây dựng hiện nay là những tuyến đường nằm xa khu dân cư, trải dài giữa các khu dân cư; do đó việc huy động sự đóng góp của người dân để xây dựng những tuyến này gặp rất nhiều khó khăn. Qua khảo sát tại một số xã cho thấy, cá biệt có những tuyến đường nếu triển khai xây dựng phải huy động lên đến vài triệu đồng/hộ nếu như không huy động được thêm từ các nguồn lực khác nên rất khó triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư các tuyến đường giao thông nông thôn là cấp xã, do đó về chuyên môn, nghiệp vụ về xây dựng cơ bản còn hạn chế, công tác cập nhật số liệu tài chính thực hiện còn chậm, chưa thống nhất, việc quyết toán và tổng hợp báo cáo tính bổ sung nguồn vốn cho các công trình đã hoàn thành còn chưa hiệu quả, kịp thời dẫn đến tình trạng nợ đọng trong quá trình triển khai, gây ảnh hưởng trong quá trình huy động các nguồn lực triển khai các dự án khác.

Hơn nữa, điều kiện về địa hình, thời tiết khí hậu diễn biến bất lợi cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình triển khai thi công. Các xã cũng chưa quan tâm đến việc hoàn thiện công tác đào rãnh và đắp lề đường bê tông xi măng sau khi đã thi công, dẫn đến việc đưa công trình vào sử dụng mang lại hiệu quả chưa cao.

Chương trình xây dựng nông thôn mới nói chung và đường giao thông nông thôn nói riêng là chương trình toàn diện, lâu dài; nếu cấp ủy chính quyền quan tâm, triển khai chỉ đạo thường xuyên, sâu sát và kiên trì mục tiêu, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, làm cho người dân hiểu đúng mục đích, ý nghĩa của chương trình; phát huy vai trò làm chủ bằng sự tham gia, bàn bạc, hiến kế, đóng góp công, của và chủ động thực hiện các nhiệm vụ thì đạt hiệu quả tích cực. Bởi vậy, để việc hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh có 70/143 xã đạt chuẩn nông thôn mới về tiêu chí giao thông nông thôn rất cần cấp ủy, chính quyền các cấp quyết liệt triển khai thực hiện có hiệu quả xây dựng đường giao thông nông thôn theo kế hoạch giai đoạn 2017-2020 đã đề ra; chú trọng tập trung vào các xã đăng ký hoàn thành tiêu chí về giao thông theo kế hoạch.
Cần tăng cường công tác tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng, thiết thực với nhiều hình thức khác nhau trong mọi tầng lớp nhân dân; phổ biến cho người dân hiểu rõ về chủ trương, cơ chế chính sách, quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi cá nhân, cộng đồng thôn bản trong quá trình xây dựng đường giao thông nông thôn trên địa bàn. Tập trung chỉ đạo các xã cần chú trọng công tác duy tu bảo dưỡng các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn nhằm phát huy hiệu quả và nâng cao thời gian sử dụng cho các tuyến đường.

Đặc biệt, cần huy động tối đa nguồn vốn Trung ương, vốn tài trợ, ngân sách địa phương, vốn dân đóng góp và xã hội hóa đầu tư xây dựng, nâng cấp cải tạo các công trình đường giao thông nông thôn đã xuống cấp. Tuy nhiên, phải lồng ghép sử dụng có hiệu quả sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước và các nguồn lực đa dạng; việc huy động, đóng góp của người dân phải được thực hiện trên cơ sở thực sự tự nguyện, bàn bạc dân chủ không gượng ép quá sức dân.

Hằng năm, cấp huyện cần chủ động mở các lớp tập huấn nân cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý chủ chốt cấp xã, công chức cấp xã tham gia học tập, tập huấn về công tác quản lý, công tác tài chính, quản lý hồ sơ sổ sách; tăng cường cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cho người dân, các tổ đội trực tiếp thi công đường giao thông nông thôn những nội dung về kiểm tra chất lượng vật liệu, tỷ lệ thành phần cấp phối, ghép ván khuôn, bảo dưỡng bê tông để đảm bảo kỹ thuật…Thực hiện được như vậy, chắc chắn sẽ góp phần thực hiện thành công tiến trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

kieuanh

Nguồn: Báo Lào Cai

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)