Trong 5 năm qua, tỉnh Lai Châu đã có nhiều cố gắng trong việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng GTVT, nhất là GTNT; tuy nhiên là một tỉnh nghèo mới được chia tách, Lai Châu sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức trong việc tạo nguồn lực cũng như tìm kiếm, huy động mọi nguồn vốn để phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật của tỉnh,trong đó có GTVT.
Trong 5 năm qua, tỉnh Lai Châu đã có nhiều cố gắng trong việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng GTVT, nhất là GTNT; tuy nhiên là một tỉnh nghèo mới được chia tách, Lai Châu sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức trong việc tạo nguồn lực cũng như tìm kiếm, huy động mọi nguồn vốn để phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật của tỉnh,trong đó có GTVT.
Mạng lưới giao thông tỉnh Lai Châu chủ yếu là vận tải đường bộ, đã được phát triển mạnh trong những năm gần đây, nhưng so với cả nước thì chất lượng còn rất thấp. Phân bố mạng lưới đường lại không đều do đặc thù miền núi cao hiểm trở. Các tuyến đường bộ tuy được nâng cấp song chưa nhiều, số km đường bộ có chất lượng kém chiếm tỷ trọng lớn, chưa đúng cấp kỹ thuật. Nguồn kinh phí cho duy tu, bảo dưỡng lại hạn hẹp nên duy tu, bảo dưỡng thường bị kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng đường. Mặt khác, do địa hình vùng núi hiểm trở, nhiều đèo dốc, hay bị sụt lở về mùa mưa lũ, mặt đường phần lớn rải đá dăm từ lâu, chất lượng thấp rất dễ gây TNGT. Hệ thống cầu cống được xây dựng ở nhiều giai đoạn khác nhau, nên sức chịu tải cũng khác nhau và nhiều cầu có tải trọng nhỏ không phù hợp với nhu cầu vận tải hiện nay, cần thay thế cầu có tải trọng cao hơn; ở các huyện miền núi còn nhiều vị trí chưa có cầu hoặc ngầm tràn gây khó khăn cho các phương tiện đi lại trong mùa mưa lũ.
Hiện cả tỉnh vẫn còn 3 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã (xã Mù Cả và xã Tà Tổng của huyện Mường Tè, xã Nậm Bản của huyện Sìn Hồ), khả năng làm đường đến xã còn rất khó khăn cả về kinh phí, địa hình, kỹ thuật kinh tế. Trong khi đó, nguồn hàng, nguồn khách không tập trung, tự phát, manh mún, kinh tế hàng hoá và công nghiệp không phát triển nên hầu hết là hàng hoá tiêu dùng có khối lượng nhỏ, cũng làm hạn chế đến phát triển giao thông khu vực.
Huyện Mường Tè là huyện có tỷ lệ mật độ đường trên 100km2 thấp nhất cả tỉnh chỉ có 6,6km/100km2, điều này phản ánh đúng thực trạng về sự phân bố dân cư thưa thớt trên địa bàn huyện, trong khi đó về điều kiện địa hình rất khó khăn, bị chia cắt, thời tiết thường xuyên diễn biến phức tạp, việc đầu tư xây dựng các tuyến đường nông thôn đến trung tâm các xã, cụm xã trong huyện là rất tốn kém, khó khăn. huyện Mường Tè được coi là huyện điểm, huyện khó khăn nhất về giao thông trong cả nước. Là huyện vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới xa trung tâm hành chính tỉnh, hệ thống giao thông lại chưa hoàn chỉnh đã gây nhiều trở ngại trong việc đi lại, giao lưu phát triển kinh tế của nhân dân. Làm cho đời sống nhân dân trong huyện gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo cao nhất trong tỉnh, một số dân tộc còn sống du canh, du cư, trình độ dân trí không đồng đều, trình độ sản xuất còn lạc hậu…Hệ thống dường giao thông của huyện Mường Tè còn rất nhiều bất cập, rất nhiều cầu, cống qua sông, suối, rãnh thoát nước dọc chưa được đầu tư xây dựng, dẫn đến nhềiu tuyến đường mới chỉ đi lại được trong mùa khô, còn mùa mưa không thể đi lại được. Huyện có một tuyến đường thủy đi từ bến đò Pô Lếch đến cụm Pắc Ma với chiều dài 42km. Hiện nay luồng lạch đang xuống cấp, có nguy cơ làm sạt lở tuyến đường bộ đoạn từ Nậm Pục đến Pắc Ma do dòng chảy tạo ra. Khi xây dựng thủy điện Sơn La và thuỷ điện Nậm Nhùn (thuỷ điện Lai Châu) mạng lưới đường giao thông trong huyện sẽ bị chia cắt nghiêm trọng, nhiều trung tâm xã, cụm xã và ngay cả trung tâm huyện cũng bị cô lập. Hiện nay huyện chỉ có một tuyến đường độc đạo đi ra tỉnh và các huyện khác với chiều dài 91km qua quá trình khai thác sử dụng, kinh phí cho công tác duy tu bảo dưỡng hạn hẹp dẫn đến kết cấu của đường đã xuống cấp nghiêm trọng. Vì vậy cần đầu tư trọng điểm xây dựng, nâng cấp, vén ngập các tuyến đường trong huyện, không để xảy ra tình trạng chia cắt huyện với tỉnh và trung ương. Cần xoá bỏ thế độc đạo về giao thông hiện nay đến trung tâm huyện.
Về chất lượng mặt đường, cả tỉnh mới chỉ có 8% đường huyện được láng nhựa và thảm bê tông nhựa (huyện Than Uyên và thị xã Lai Châu) còn lại 98,2% là đường cấp phối và đường đất; đặc biệt huyện Mường Tè, huyện Phong Thổ hiện vẫn chưa có một km đường nhựa nào.
Đánh giá chung, chất lượng mặt đường huyện xã trong tỉnh rất xấu, tỷ lệ nhựa hoá trong hệ thống đường huyện, đường liên xã của tỉnh là rất thấp, chủ yếu là đường cấp phối và đường đất. Theo báo cáo của Công ty tư vấn quốc tế Intech nghiên cứu đánh giá về mặt đường cấp phối ở Việt Nam trong thời gian qua đã cho thấy việc sử dụng mặt dường cấp phối ở những vùng núi, địa hình khó khăn và độ dốc lớn, mật độ mưa nhiều như ở tỉnh Lai Châu là không phù hợp. Vì vậy cần có những điều chỉnh tích cực, phấn đấu nâng dần tỉ lệ nhựa hoá và cân đối tỉ lệ đường nhựa theo số km đường giữa các huyện.
Hiện nay, hầu hết các tuyến đường mới đạt tiêu chuẩn đường loại A, B theo tiêu chuẩn đường GTNT; hệ thống cầu, cống trên tuyến chưa được xây dựng vĩnh cửu, còn nhiều cầu tạm, ngầm, tràn không đảm bảo thông xe; chất lượng mặt đường xấu, đường cấp phối và đường đất chiếm tỉ trọng lớn do đó mùa mưa đi lại rất khó khăn, đặc biệt đối với đường cấp phối nếu không được duy tu bảo dưỡng thường xuyên tốt thì sẽ xuống cấp rất nhanh. Vì vậy hệ thống đường huyện cần được tập trung đầu tư nâng cấp trong thời gian tới.
Đ.T