Xác định phát triển hạ tầng giao thông nông thôn (GTNT) là "đòn bẩy" phát triển kinh tế - xã hội, là điều kiện để thu hẹp dần khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, huyện Yên Bình, Yên Bái đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia làm đường GTNT.
Tuyến đường liên thôn Nạng - Đồng Tâm hoàn thành
sẽ tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho hàng trăm hộ dân
Tại thôn Nạng, xã Phú Thịnh vào những ngày cuối tháng 12, rất đông bà con nhân dân tập trung ở đây cùng tham gia đổ bê tông cho tuyến đường liên thôn Nạng - Đồng Tâm, liên xã Phú Thịnh - Thịnh Hưng. Tuyến đường dài 2km, song đã bê tông được trên 1km, còn 700m người dân đang nỗ lực hoàn thành để tết Mậu Tuất năm nay, gần trăm hộ dân sẽ được đi trên con đường mới.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Phú Thịnh - Nguyễn Trung Hiếu cho biết: "Với sự tích cực tuyên truyền, vận động nên người dân đã hiểu về tầm quan trọng của việc làm đường GTNT nên rất đồng tình với chủ trương này. 6 năm qua, nhân dân địa phương đã đóng góp tiền, ngày công lao động, hiến đất để làm đường GTNT với tổng trị giá 1,2 tỷ đồng để xây dựng hơn 16 km đường bê tông”.
Đi trên những con đường bê tông phẳng lỳ, nghe những câu chuyện về phong trào làm đường GTNT của xã Mông Sơn mới thấy khi lòng dân đồng thuận thì việc gì cũng trở nên dễ dàng. Sau 5 năm xây dựng nông thôn mới, xã đã bê tông hóa trên 10 km đường.
"Những con đường đất lầy lội ngày nào đang dần được thay thế bằng những tuyến đường nhựa, đường bê tông. Việc đi lại của bà con thuận tiện hơn trước rất nhiều. Trẻ con đi học không lo trơn trợt, bắn bẩn quần áo, nông dân chở hàng cứ bon bon. Chúng tôi góp công, góp của để làm đường thấy thật xứng đáng!” - ông Vũ Quang Vinh ở thôn Trung Tâm hồ hởi.
Luôn xác định đầu tư hạ tầng giao thông phải đi trước, là nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội và tạo tiền đề vững chắc để xây dựng nông thôn mới, huyện Yên Bình đã huy động nhiều nguồn lực để xây dựng các tuyến đường GTNT và tạo nên phong trào phát triển GTNT sôi nổi ở khắp các địa phương trong huyện.
Minh chứng cho kết quả xây dựng hạ tầng giao thông trên địa bàn đó là hết năm 2017, huyện đã cứng hóa trên 59,5km đường giao thông, trong đó, riêng Đề án Phát triển GTNT là 36km, còn lại là từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và nguồn vốn khác.
Huyện Yên Bình đặc biệt ưu tiên cho 5 xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong năm là: Thịnh Hưng, Bạch Hà, Phú Thịnh, Mông Sơn và Vĩnh Kiên. Cùng với đó, tập trung cho các thôn đặc biệt khó khăn tại các xã: Xuân Long, Cảm Nhân, Tích Cốc... với tổng số vốn trên 92 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp và các nguồn vốn huy động khác trên 12 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình Nguyễn Đức Điển khẳng định, năm 2017, huyện Yên Bình đã có những bước đi hiệu quả trong khai thác và phát huy các nguồn vốn vào công cuộc phát triển GTNT gắn với xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là việc huy động sức dân trong tham gia đóng góp tiền của, ngày công để làm nên những con đường từ lòng dân.
Mỗi tuyến đường hoàn thành đã góp phần làm cho bộ mặt nông thôn đổi thay, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Với điều kiện thuận lợi là có nhà máy xi măng đóng trên địa bàn nên huyện đã có chủ trương ứng trước xi măng để làm sớm một số tuyến đường theo nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân.
"Xác định xây dựng, nâng cấp hệ thống đường GTNT là nhiệm vụ trọng tâm của huyện trong những năm tiếp theo, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ xây dựng hạ tầng cơ sở; tuyên truyền, vận động nhân dân chung sức, đồng lòng hoàn thiện các tuyến đường GTNT theo đúng lộ trình đề ra” - ông Điển nói.