Vĩnh Phúc: Tạo đột phá trong phát triển giao thông nông thôn

Thứ sáu, 02/03/2018 11:24
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của tỉnh Vĩnh Phúc với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, hệ thống đường giao thông nông thôn (GTNT) trên địa bàn tỉnh ngày càng hoàn thiện và đồng bộ, tạo đà thực hiện tiêu chí số 2 (giao thông) trong xây dựng nông thôn mới (NTM), thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển.

Về các xã NTM những ngày đầu Xuân Mậu Tuất 2018, đi trên những con đường bê tông trải dài nối liền giữa các thôn, xóm, chúng tôi cảm nhận rõ cuộc sống của người dân thực sự chuyển mình.

Hệ thống giao thông nông thôn có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy giao thương, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Theo ông Hà Thế Luân, Chủ tịch UBND xã Liễn Sơn, là xã miền núi của huyện Lập Thạch, trước đây đường xá đi lại của địa phương gặp nhiều khó khăn. Xác định GTNT có vai trò quan trọng thúc đẩy KT- XH địa phương phát triển, xã chọn tiêu chí GTNT làm khâu đột phá trong xây dựng NTM. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “lấy người dân tuyên truyền vận động người dân” và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, xã đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia xây dựng NTM.

Vì vậy, đường làm đến đâu, nhân dân hiến đất, hiến công, đóng góp tiền của đến đó. Đến nay, xã cứng hóa được gần 33km đường GTNT, trong đó hơn 12km đường giao thông trục thôn, ngõ xóm; hơn 4km đường giao thông nội đồng; hơn 13km giao thông trục chính với tổng nguồn lực huy động hơn 3tỷ đồng; 512 hộ hiến hơn 25.000 m2 đất; 5.340 ngày công lao động…

Giao thông phát triển tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giao thương hàng hóa; chuyển đổi cơ cấu cây trồng đưa thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 26 triệu đồng/người/năm.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo chương trình GTNT, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có gần 4.200km đường GTNT, trong đó 493km đường huyện; 3.706km đường trục xã, trục thôn và đường ngõ xóm và 2.159km hệ thống đường giao thông nội đồng.

Xác định phát triển GTNT là khâu trọng yếu trong chương trình phát triển cơ sở hạ tầng xây dựng NTM, tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội, những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và ưu tiên nguồn lực cho đầu tư phát triển hệ thống GTNT như Nghị quyết số 02 về hỗ trợ phát triển đường GTNĐ giai đoạn 2011- 2020; Nghị quyết số 25 về hỗ trợ phát triển GTNT tỉnh giai đoạn 2017-2020 đã phần nào đáp ứng nguyện vọng của các địa phương trong tỉnh, giảm bớt đóng góp của nhân dân, đồng thời “kích cầu” cho phong trào phát triển GTNT, GTNĐ tại các địa phương.

Nhiều xã đã hoàn thành xây dựng NTM nhưng vẫn tiếp tục huy động đóng góp của nhân dân để cứng hóa mặt đường ngõ xóm và tăng cường công tác duy tu, bảo dưỡng để nâng cao chất lượng tiêu chí đã đạt như xã Hợp Lý (Lập Thạch), xã Tam Quan (Tam Đảo)…

Ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, các doanh nghiệp và nguồn đấu giá quyền sử dụng đất, các địa phương tích cực tuyên truyền vận động nhân dân tham gia đóng góp bằng nhiều hình thức như tiền, vật tư, ngày công lao động và tự nguyện hiến đất khi xã có nhu cầu mở rộng nền đường.

Các xã đăng ký về đích NTM năm 2017, mặc dù có nhiều khó khăn về nguồn vốn đối ứng từ ngân sách xã như các xã: An Hòa, Hướng Đạo (Tam Đảo), Liễn Sơn (Lập Thạch), Đức Bác, Quang Yên (Sông Lô) nhưng vẫn quyết tâm phấn đấu, huy động đóng góp của nhân dân để hoàn thành tiêu chí số 2- giao thông theo kế hoạch đã cam kết.

Riêng năm 2017, toàn tỉnh dành trên 400 tỷ đồng đầu tư xây dựng GTNT; xây dựng mới và cải tạo nâng cấp được 250km đường GTNT, trong đó cứng hoá mới 181km, cải tạo sửa chữa các tuyến bị hư hỏng xuống cấp 69 km. Hết năm 2017, toàn tỉnh có 99/112 xã hoàn thành tiêu chí giao thông. Dự kiến 6 xã còn lại hoàn thành tiêu chí số 2 vào tháng 02/2018.

Theo ông Hoàng Văn Minh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Vĩnh Phúc, kết quả trên khẳng định sự đồng thuận từ các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể tới các tầng lớp nhân dân. Ban chỉ đạo xây dựng NTM các cấp đã bám sát đề án xây dựng GTNT và tình hình thực tế của địa phương để xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết trong chỉ đạo, phát động chiến dịch và triển khai thực hiện. Và điều quan trọng nhất là người dân được bàn, được tham gia giám sát công trình và được biết mọi vấn đề liên quan đến tài chính; hầu hết các đường liên thôn, ngõ xóm do dân tự thu tự làm nên giá thành hạ, chất lượng đảm bảo.

Năm 2018, phong trào phát triển GTNT tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 25 và Nghị quyết số 02 của HĐND tỉnh. Trong đó, tập trung cứng hóa 55km đường trục xã, 32km đường trục thôn, xóm và 40 km đường trục chính GTNĐ; phấn đấu hết năm 2018 có 112/112 xã hoàn thành tiêu chí số 2.

Thời gian tới, Ban chỉ đạo chương trình GTNT tỉnh phối hợp cùng các huyện, thành, thị xây dựng kế hoạch duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí Giao thông đối với các xã đạt chuẩn NTM; huy động sự tham gia đóng góp của người dân để duy tu, sửa chữa các tuyến đường thôn, xóm trên cơ sở thực hiện tốt quy chế dân chủ, công khai minh bạch các nguồn vốn.

Tăng cường tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức cộng đồng với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” và xã hội hóa trong việc huy động vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng GTNT; tránh đầu tư dàn trải, phát sinh nợ đọng xây dựng NTM.

hoavt

Nguồn: Báo Vĩnh Phúc

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)