Lâm Đồng: Chung sức phát triển giao thông nông thôn

Thứ hai, 19/03/2018 09:14
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Nhờ cách làm sáng tạo mà nhiều con đường liên xã, liên thôn và hàng trăm ngõ xóm được trải bê tông phẳng phiu đã và đang tô điểm cho bức tranh nông thôn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng với 97/117 xã đạt tiêu chí giao thông nông thôn (GTNT) trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

Nhân dân đồng thuận làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: H.Y

Khi nhân dân chung sức

Việc triển khai nhiều hình thức phong trào làm đường GTNT ở Di Linh những năm qua đã góp phần tích cực làm thay đổi diện mạo cho những vùng sâu vùng xa, từng bước tạo ra mạng lưới giao thông liên hoàn giữa các huyện, xã, góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương phát triển theo hướng bền vững. Đó là hình ảnh có thể bắt gặp ở nhiều huyện trong tỉnh Lâm Đồng. Đơn cử như huyện Di Linh, trong năm qua đã thực hiện cứng hóa được 48 tuyến đường với chiều dài hơn 46 km đường GTNT. Điều đáng nói là trong  tổng vốn đầu tư hơn 51 tỷ đồng thì nhân dân đóng góp gần 15 tỷ đồng, ngân sách 36,6 tỷ đồng. Ngoài ra còn vận động nhân dân hiến đất ước tính giá trị khoảng 37 tỷ đồng và 1.860 ngày công lao động… Tiêu biểu xã Liên Đầm làm 8 tuyến đường với chiều dài 7 km với số tiền hơn 4 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 2 tỷ đồng; xã Tân Nghĩa làm được 14 tuyến đường thôn, ngõ xóm với tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 3 tỷ đồng… Ông K’ Bin (Thôn 4, xã Tam Bố) chia sẻ, trước đây, hầu hết tuyến đường trong thôn đều nhỏ lại đường đất nên rất khó khăn, vất vả  giờ thì được bê tông cứng hóa là mơ ước của người dân lâu nay. Vì vậy, khi triển khai việc làm đường thì hầu hết người dân đồng bào dân tộc thiểu số, tuy cuộc sống còn rất nhiều khó khăn nhưng vẫn tự nguyện hiến đất, mở đường và đóng góp tiền của công sức để làm nên những con đường bê tông này. 

Hay đến Đơn Dương hôm nay, nhiều con đường được xây dựng, trong đó có những đoạn đường do chính người dân tự nguyện hiến đất, góp công. Chính sự chung tay góp sức, hiến đất làm đường giao thông nông thôn của người dân đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, là điểm sáng trong phong trào phát triển GTNT của tỉnh. Qua 5 năm (2010 - 2015), nhiều tuyến giao thông đối nội, đối ngoại quan trọng của huyện đã hoàn thành, giúp giao thông vận chuyển hàng hóa và đi lại được thông suốt. Đến cuối năm 2017, tỷ lệ đường trục xã, liên xã được bê tông và nhựa hóa đạt tỷ lệ gần 90%; tỷ lệ đường thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn; tỷ lệ đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa; đường trục chính giao thông nội đồng được bê tông, cứng hóa và nền đường đầm chặt, xe cơ giới đi lại được thuận tiện.

Tháo gỡ khó khăn các xã chưa đạt

Trong quá trình thực hiện phát triển GTNT và thực hiện tiêu chí GTNT trong xây dựng NTM của tỉnh Lâm Đồng, hệ thống đường giao thông nông thôn đã được đầu tư làm mới cũng như nâng cấp, sửa chữa góp phần tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế, xã hội, du lịch và an ninh quốc phòng của tỉnh, rút ngắn khoảng cách lưu thông giữa các địa phương.

Ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, Lâm Đồng đã có nhiều cách làm sáng tạo để phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh, đến thời điểm hiện tại Lâm Đồng có 97/117 xã (đạt 80,1%) hoàn thành tiêu chí giao thông. Trong đó, giai đoạn 2010-2015 tổng kinh phí đầu tư cho GTNT là 2.411 tỷ đồng bao gồm: Ngân sách Trung ương 991 tỷ đồng, địa phương 857 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 203 tỷ đồng, vốn ODA 857 tỷ đồng, vốn huy động xã hội 123 tỷ đồng, vốn khác 210 tỷ đồng và đã đầu tư cứng hóa 4.348 km. Kế đến năm 2016 xây dựng được 340 km đường, 48 m cầu, tổng số tiền đầu tư 407 tỷ đồng và năm 2017 xây dựng được 287 km đường, 83 m cầu với số tiền 584 tỷ đồng. Những con số này cho thấy, việc đầu tư phát triển GTNT được tỉnh chú trọng và đã có bước tiến nhảy vọt.

Trên địa bàn tỉnh còn 20 xã chưa đạt tiêu chí giao thông nằm ở các huyện Lạc Dương, Lâm Hà, Đam Rông, Di Linh, Đạ Tẻh, Cát Tiên… Tuy số xã chưa hoàn thành tiêu chí giao thông không còn nhiều, nhưng để hoàn thành tiêu chí giao thông rất khó khăn, do các xã còn lại chủ yếu là các xã vùng sâu, vùng xa địa hình hiểm trở; dân cư thưa thớt, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, do vậy kinh phí xây dựng lớn, khả năng huy động kinh phí trong dân là rất khó khăn.

Ông Tuấn nhấn mạnh, trong thời gian qua, Sở GTVT Lâm Đồng cũng đã kiến nghị với UBND tỉnh xem xét điều chỉnh một số điểm tại Quyết định số 2580/QĐ-UBND về phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh. Chẳng hạn, hiện nay các xã còn lại chưa đạt các tiêu chí về giao thông do nhiều nguyên nhân như địa hình không bằng phẳng nên kinh phí cho việc đào đắp nền đường nhiều; dân cư tuyến đường qua lại ít…, trong khi Nhà nước chỉ hỗ trợ kinh phí phần vật liệu theo tỷ lệ từng loại đường nên kinh phí đóng góp xây dựng của nhân dân nhiều, do đó khó khăn trong việc xây dựng. Để đạt các tiêu chí về giao thông, bên cạnh đó, thực hiện đa dạng các nguồn vốn nhằm huy động tối đa các nguồn lực trên địa bàn theo phương châm dựa vào nội lực của cộng đồng địa phương là chính, sẽ tập trung nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ Chương trình xây dựng NTM cho các xã đăng ký đạt chuẩn, góp phần hoàn thành tiêu chí giao thông nông thôn vào năm 2020.
 

toanld

Nguồn: Báo Lâm Đồng

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)