Là huyện vùng cao, biên giới diện đặc biện khó khăn, với trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số, tuy nhiên, trong những năm qua, từ sự hỗ trợ của Nhà nước cùng nỗ lực của người dân, Si Ma Cai trở thành “điểm sáng” trong phát triển hạ tầng giao thông nông thôn của tỉnh Lào Cai.
Chúng tôi có chuyến công tác lên các xã vùng cao của huyện Si Ma Cai. Mùa này, sáng sớm, tiết trời còn khá lạnh, sương mù phủ kín núi đồi, nhưng ngay từ 6 giờ, người dân xã Si Ma Cai đã tập trung khá đông ở trung tâm thôn Na Cáng để dự lễ phát động làm đường giao thông nông thôn năm 2018. Tay cầm bàn xoa, trên vai vác cuốc, anh Thào A Chư, thôn Na Cáng tâm sự: Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, chúng tôi tham gia đóng góp ngày công để sớm hoàn thành việc đổ bê tông các tuyến đường giao thông trong xã, bởi đường sá thuận lợi sẽ giúp chúng tôi đi lại an toàn, nông sản vận chuyển đi tiêu thụ cũng thuận lợi hơn, không bị tư thương ép giá.
Hạ tầng giao thông được đầu tư giúp người dân vùng cao Si Ma Cai đi lại thuận tiện.
Ngày tổ chức lễ phát động, các đại biểu đã cùng nhân dân trong xã Si Ma Cai đổ bê tông tuyến đường từ thôn Na Cáng đến trung tâm huyện Si Ma Cai. Công trình dài 12km, được bê tông hoá với chiều rộng 3m, dày 16cm. Chỉ trong 1 ngày, với sự góp sức của hơn 100 người dân, gần 100m đường bê tông đầu tiên của tuyến đường đã được hoàn thành. Kết quả đó phần nào cho thấy sự tham gia nhiệt tình của người dân nơi đây trong việc làm đường giao thông nông thôn.
Cách đây khoảng 5 năm, Mản Thẩn là xã khó khăn của huyện Si Ma Cai. Thế nhưng, hôm nay, Mản Thẩn đã “khoác” lên mình tấm áo mới, nổi bật trong đó là nhiều ngôi nhà khang trang, kiên cố được mọc lên, đường đến các thôn, bản trong xã được đổ bê tông phẳng lì hoặc rải đá cấp phối. Say Sán Phìn được xã chọn làm thôn điểm triển khai thực hiện một số tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Để hoàn thành các tiêu chí, trong đó có việc xây dựng đường giao thông nông thôn, thôn Say Sán Phìn đã thành lập tổ tuyên truyền, vận động, với thành phần là các tổ chức đoàn thể và sự tham gia của các già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín trong thôn. Tổ công tác đã xây dựng kế hoạch, sau đó đưa ra bàn bạc, xin ý kiến của người dân trong thôn để triển khai thực hiện. Đối với những trường hợp còn phân vân, chưa đồng thuận, tổ công tác đến tận nhà phân tích, vận động. Khi người dân hiểu rõ những lợi ích chương trình xây dựng nông thôn mới, họ đều nhiệt tình tham gia, nhiều hộ hiến hàng trăm m2 đất, phá bỏ hoa màu, cây trồng để “nắn thẳng”, mở rộng đường liên thôn, liên gia.
Ông Lừu Seo Chư ở thôn Say Sán Phìn cho biết: “Hiểu được những lợi ích mà đường giao thông mang lại, gia đình tôi hiến hơn 2.000m2 đất để làm đường. Có đường, việc đi lại của người dân thuận lợi hơn, đặc biệt, các cháu học sinh đi lại an toàn, không bị trơn trượt trong những ngày mưa”.
Từ đầu năm đến nay, huyện Si Ma Cai đã đổ bê tông được khoảng 23km; rải cấp phối 23km đường giao thông nông thôn; mở mới gần 28km đường liên thôn và nội đồng. Để duy trì phong trào làm đường giao thông nông thôn, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Si Ma Cai đã chỉ đạo các xã tập trung làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về chương trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là tiêu chí giao thông, gắn với công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình sau đầu tư. Huyện cũng thành lập đoàn kiểm tra và đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới đã phát động. Được biết, năm 2017, huyện Si Ma Cai làm được gần 90km đường bê tông; mở mới 30,6km; rải cấp phối 34km đường giao thông nông thôn.
Ông Viên Đình Hiệp, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Si Ma Cai cho biết: “Để có những kết quả trong làm đường giao thông nông thôn, ngoài việc hỗ trợ của Nhà nước, ngay từ khi triển khai, huyện Si Ma Cai luôn lấy công tác tuyên truyền, vận động nhân dân làm trọng tâm. Khi hiểu được mục tiêu, lợi ích chương trình đem lại, người dân sẽ phát huy hơn nữa vai trò chủ thể của mình, trong đó có việc nhiệt tình tham gia hiến đất, đóng góp ngày công và vật chất để làm đường”.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều tuyến đường cần được nâng cấp, sửa chữa và mở mới. Trong thời gian tới, chính quyền và người dân nơi đây mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, của các cấp, ngành để hoàn thành tiêu chí giao thông, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn vùng cao Si Ma Cai.