“Tư tưởng trông chờ Nhà nước đã “xưa” lắm rồi, bây giờ bà con đều xác định chủ động làm đường chính là mở ra tương lai cho bản thân, cho con cháu mình”. Đó là lời của Bí thư Chi bộ thôn Nà Cọ Nguyễn Xuân Cương khi được hỏi về phong trào làm đường ở xã Đông Viên (Chợ Đồn, Bắc Kạn).
Phá núi, kè suối mở đường
Con đường từ trung tâm thôn Nà Vằn đi vào khu vực ngã ba Khuổi Và trước đây chỉ là con đường đất nhỏ, gập gềnh khó đi. Năm 2018, từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, được Nhà nước hỗ trợ nguyên vật liệu để làm tuyến đường hơn 500 mét, bà con nhân dân đã huy động đóng góp ngày công lao động để hoàn thiện tuyến đường. Chưa dừng lại ở đó, khi thấy còn khoảng 100 mét nữa mới đến ngã ba Khuổi Và, bà con đã bàn bạc và quyết định tiếp tục tự đóng góp nguyên vật liệu và ngày công lao động với số tiền huy động khoảng 40 triệu đồng để làm nốt đoạn đường này. Công trình đã được thi công và đưa vào sử dụng từ đầu tháng 6/2018.
Bà con đóng góp khoảng 40 triệu đồng để bê tông
đoạn đường dài 100 mét nối tiếp đoạn từ Nà Vằn đến ngã ba Khuổi Và
Cũng từ đây, câu chuyện phá núi, kè suối để làm đường của bà con nhân dân 3 thôn là Nà Cọ, Nà Vằn, Bản Cáu (xã Đông Viên) bắt đầu. Được biết từ ngã ba Khuổi Và con đường được chia thành 2 nhánh, một nhánh đi vào khu Khuổi Và, một nhánh đi vào khu Khuổi Lò. Cả hai khu đều là khu phát triển kinh tế của các hộ dân ở thôn Nà Cọ, Bản Cáu, Nà Vằn; rất nhiều vườn cam, quýt, thanh long, bãi ngô, rừng trồng của bà con tập trung ở khu vực này. Theo đó, các hộ có diện tích canh tác ở đây đã ngồi lại với nhau bàn bạc và thống nhất cao sẽ mở đường vào cả 2 khu, đường đi qua diện tích đất của hộ gia đình nào thì hộ đấy sẽ hiến đất. Phân chia theo khoảng cách tuyến đường, các hộ hưởng lợi sẽ có mức đóng góp khác nhau hộ ít nhất là 300.000 đồng, hộ nhiều nhất là 5 triệu đồng.
Theo thống kê, có khoảng 70 hộ hưởng lợi khi làm 2 tuyến đường này. Đường vào khu Khuổi Và có 40 hộ sẽ thi công tuyến đường dài khoảng 600 mét, khu Khuổi Lò 30 hộ sẽ thi công tuyến đường dài khoảng 200 mét. Ngay khi triển khai, hộ gia đình ông Nông Quốc Huấn, Chủ tịch UBND xã Đông Viên đã tình nguyện hiến gần 1.000m2 đất vườn đang trồng thanh long, cam quýt để mở đường. Bí thư chi bộ thôn Nà Cọ Nguyễn Xuân Cương ngoài đóng góp chung đã ủng hộ 01 ca máy xúc (tương đương số tiền 2,5 triệu đồng). Những cán bộ này đã thể hiện tinh thần tiên phong, gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên ở địa phương, từ đó giúp bà con tin tưởng, đồng thuận cao trong triển khai, thực hiện.
Do tuyến đường chạy dọc theo bờ suối, nên giờ đây bà con phải bỏ ra nhiều công sức, chi phí kè suối, chống xói lở để thi công tuyến đường. Cùng với đó trước chỉ là những con đường dân sinh, đường mòn do bà con đi lại để canh tác nhiều mà tạo thành nên bây giờ phải phá núi, tạo mặt đường. Hiện công trình đã được bà con khẩn trương thi công, nỗ lực để đưa vào sử dụng trong thời gian sớm nhất.
Chung sức xây dựng tiêu chí Giao thông
Bí thư Đảng ủy xã Đông Viên Nguyễn Đức Khiêm cho biết: Xác định tiêu chí số 2, tiêu chí về Giao thông trong bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới đặc biệt quan trọng. Nên ngay từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới, xã đã tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư làm đường; cùng với đó qua tuyên truyền, vận động xã nhận được sự đóng góp, ủng hộ nhiệt tình của bà con nhân dân, luôn sẵn sàng chung tay góp sức, góp của để xây dựng các tuyến đường.
Do đó, Giao thông là một trong những tiêu chí mà Đông Viên đã sớm đạt theo chuẩn. Đến nay tỷ lệ các tuyến đường trục thôn, liên thôn, đường ngõ, xóm, trục nội đồng đạt theo tiêu chí ngày càng tăng. Xã có hơn 10,2km đường trục thôn, liên thôn đến nay đã bê tông hóa được hơn 7,2km, chiếm 70,58% đảm bảo ô tô đi lại được (theo tiêu chí là đạt bằng hoặc trên 50% cứng hóa). Nhiều tuyến đường đã được cứng hóa 100% như đường liên thôn Khau Chủ đi Cốc Lùng, đường Nà Kham đi Nà Nừn, đường trục thôn Lẻo Luông đi Cốc Lùng, đường Nà Vằn đi Nà Pẻn, đường Bản Cáu đi Nà Lót, đường Nà Pẻn đi Nà Hẻo, Nà Cọ đi Khuổi Peo…
Trưởng thôn Nà Vằn Nguyễn Huy Hòa cho biết: Nói đến làm đường bà con ủng hộ nhiệt tình lắm. Chỉ cần đưa ra họp bàn công khai, dân chủ về cách thức, hình thức, mức đóng góp nhưng phải đảm bảo công bằng giữa các hộ hưởng lợi thì bà con sẽ chung tay làm ngay. Bà con bây giờ đều ý thức được làm đường chính là làm cho mình, mình được hưởng lợi từ đó đi lại sẽ thuận tiện hơn, có điều kiện hơn để phát triển kinh tế gia đình.
Có thể thấy, nếu không có sự đồng thuận cao, chuyển biến trong nhận thức về xây dựng nông thôn mới nói chung và làm đường giao thông nông thôn nói riêng của bà con nhân dân thì sẽ không thể huy động nguồn lực để chung sức thực hiện tiêu chí Giao thông ở Đông Viên. Hiện nay, xã Đông Viên đang dồn lực để về đích nông thôn mới trong năm 2018. Tin tưởng rằng từ nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương, mục tiêu này sẽ sớm hoàn thành.