Bến Tre: Làm tốt phong trào “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong xây dựng giao thông nông thôn giai đoạn 2018 - 2020

Thứ tư, 08/08/2018 08:58
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đầu tư xây dựng giao thông nông thôn (GTNT) theo hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm” vừa đáp ứng chỉ tiêu GTNT trong xây dựng nông thôn mới (NTM) đến năm 2020, vừa đáp ứng nhu cầu đi lại, mua bán, vận chuyển hàng hóa được thuận lợi, nhanh chóng, đảm bảo chất lượng và giá trị hàng hóa bán ra. Qua đó, nâng cao thu nhập cho người sản xuất, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đặc biệt là thực hiện đúng, đủ ý nghĩa và phương thức xây dựng NTM: dân biết, dân bàn, dân quyết định, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng.

Công trình lộ Vườn Tiêu ở xã Sơn Đông, TP. Bến Tre

Trong những giải pháp được UBND tỉnh Bến Tre đề ra, công tác tuyên truyền, vận động có vị trí hàng đầu, cụ thể: các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng, đóng góp kinh phí, ngày công lao động, đất… tham gia xây dựng GTNT. Song song đó, cần phổ biến những cách làm hay, kinh nghiệm ở các xã tiêu biểu để các địa phương khác học hỏi; kịp thời biểu dương những cá nhân tích cực, gương mẫu làm cơ sở nhân rộng ra mọi tầng lớp nhân dân; tích cực vận động sự hỗ trợ từ các cá nhân, tổ chức tài trợ trong và ngoài nước; tuyên truyền cho các hộ dân dọc tuyến đường có ý thức bảo vệ công trình giao thông, đặc biệt là hành lang an toàn giao thông. 

Tại Đề án Xây dựng GTNT giai đoạn 2018 - 2020 ban hành ngày 17/7/2018 của UBND tỉnh (gồm 6 chương), đề ra nhiệm vụ đầu tư tiêu chí số 2 về giao thông 117 xã, tổng chiều dài đầu tư là 224,9km (bao gồm cầu, cống trên tuyến) với tổng kinh phí dự kiến 851,6 tỷ đồng, chia làm 2 nội dung đầu tư gồm: đầu tư 14 xã đủ điều kiện xây dựng xã đạt chuẩn NTM năm 2018 và đầu tư 103 xã còn lại. Đáng chú ý nhất là chương IV - Áp dụng cơ chế đặc thù đầu tư xây dựng GTNT. Theo đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ các vật liệu chính (lớp móng cấp phối đá dăm và cát, đá, xi-măng… để bê-tông mặt đường) gồm cả chi phí vận chuyển vật liệu đến công trình. Cộng đồng dân cư hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc, huy động nguồn lực san lấp mặt bằng, chuẩn bị nền hạ theo tiêu chuẩn quy định; thuê máy móc, thiết bị và đảm bảo các nguồn lực còn lại để tổ chức triển khai thực hiện.

So sánh giữa trình tự xây dựng cơ bản và cơ chế đặc thù, khi áp dụng cơ chế đặc thù sẽ tiết kiệm được gần 200 tỷ đồng để thực hiện 132,5km đường của 103 xã đang xây dựng NTM.

UBND cấp huyện, thành phố chịu trách nhiệm hỗ trợ xã đăng ký danh mục triển khai thực hiện xây dựng hoàn thiện nền hạ đạt chuẩn theo quy định để tổng hợp trình tỉnh hỗ trợ vật liệu xây dựng phần mặt đường; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về tiến độ thực hiện đề án. UBND cấp xã rà soát quy hoạch GTNT trên địa bàn xã, trình UBND huyện, thành phố điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế; chịu trách nhiệm vận động cộng đồng dân cư xây dựng hoàn thiện phần nền hạ đạt chuẩn theo quy định để trình huyện tổng hợp, trình tỉnh đăng ký vật liệu xây dựng phần mặt đường.

Ban Dân vận Tỉnh ủy cũng đã có kế hoạch tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phong trào “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong xây dựng GTNT giai đoạn 2018 - 2020. Theo đó, “Phát huy dân chủ để huy động tối đa nguồn lực trong dân” là một trong những giải pháp đáng quan tâm, nội dung của giải pháp nhấn mạnh tính công khai, minh bạch trong tất cả mọi hoạt động xây dựng GTNT.

kieuanh

Nguồn: Báo Đồng khởi

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)