Thời gian qua, toàn tỉnh Hà Nam đã đổ bê tông, rải nhựa, nâng cấp, làm mới được hàng nghìn km đường trục xã, đường làng, ngõ xóm, đường ra đồng… góp phần quan trọng thay đổi diện mạo nông thôn và thúc đẩy kinh tế - xã hội ở các xã, thị trấn phát triển. Tuy nhiên, hiện nay việc quản lý kết cấu hạ tầng GTNT ở nhiều xã, thị trấn gặp rất nhiều khó khăn.
Quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm đến phong trào làm đường GTNT, coi đó là một trong những nhiệm vụ then chốt để thay đổi diện mạo và thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển.
Nguồn vốn đầu tư xây dựng đường GTNT được phân cấp rõ ràng, trong đó: Đối với các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường trục xã chủ yếu là vốn đầu tư từ ngân sách; đường thôn xóm huy động nguồn vốn đóng góp của nhân dân, các cơ quan Nhà nước chỉ hỗ trợ kích cầu và định hướng, chỉ đạo về quy mô cũng như chất lượng công trình, bảo đảm thi công xây dựng theo đúng quy định.
Việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn xi măng hỗ trợ ở hầu hết các xã, thị trấn bảo đảm đúng mục đích, không có thất thoát và có sự giám sát chặt chẽ của nhân dân trên tinh thần "dân biết, dân bàn, dân kiểm tra và dân hưởng lợi". Khi triển khai xây dựng công trình được bàn bạc dân chủ công khai về tài chính và phát huy tối đa vai trò giám sát của nhân dân, nâng cao trách nhiệm của thôn, xóm, tổ dân cư làm chủ đầu tư xây dựng.
Với cách làm đó, từ năm 2011 đến nay, các địa phương trong tỉnh đã đầu tư gần 1.000 tỷ đồng để làm đường GTNT; trong đó nhân dân đóng góp khoảng 60 - 70%, còn lại là các nguồn vốn khác.
Ngoài ra, nhiều hộ dân đã tự nguyện tháo dỡ cả nhà ngang, nhà bếp, công trình phụ… với tổng diện tích hơn 300 nghìn m2 đất để mở rộng đường GTNT. Nhờ đó, đến nay phần lớn các tuyến đường thôn, xóm, đường trục xã ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã được đổ bê tông, rải nhựa góp phần thay đổi diện mạo nông thôn và thúc đẩy kinh tế ở nông thôn nói riêng và của cả tỉnh nói chung phát triển.
Cùng với đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng GTNT, các huyện và thành phố đã tập trung thực hiện các giải pháp bảo vệ bảo đảm phát huy hiệu quả đầu tư. Ông Nguyễn Ngọc Hà, Chủ tịch UBND xã Thanh Nghị (Thanh Liêm) cho biết: Để bảo vệ đường GTNT, xã đã xây dựng barrier ở đầu đường trục xã song đã bị các phương tiện phá bật tung cả thanh chắn ngang và nhiều xe có trọng tải lớn vẫn chạy vào đường trục xã để đổ vật liệu xây dựng.
Trước tình trạng này, xã đã xây dựng lại barrier, sau đó giao cho lực lượng công an xã bảo vệ, quản lý và kiên quyết xử lý những đối tượng vi phạm. Đối với các tuyến đường thôn xóm, xã giao cho thôn quản lý, chủ yếu tuyên truyền cho bà con tự bảo vệ công trình, không cho xe chở quá tải vào làng, nên nhiều năm qua trên các tuyến đường thôn, xóm ở xã Thanh Nghị chủ yếu chỉ có xe ba bánh chở vật liệu xây dựng phục vụ các công trình dân sinh không ảnh hưởng đến chất lượng công trình GTNT.
Cũng như xã Thanh Nghị, tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp bảo vệ công trình GTNT, trong đó có nhiều xã còn tổ chức ký cam kết với chủ đại lý vật liệu xây dựng không chở vật liệu bằng xe quá quy định vào làng, phát động phong trào bảo vệ công trình GTNT là một trong những điều kiện xây dựng gia đình văn hóa. Nhờ vậy, phần lớn các tuyến đường thôn, xóm, đường trục xã được bảo vệ tương đối tốt.
Còn các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường đê (sông Hồng, sông Đáy, sông Nhuệ…) lại đang bị xe tải phá hỏng nhiều. Trên tuyến đê sông Hồng, từ Mộc Bắc (Duy Tiên) tới xã Hòa Hậu (Lý Nhân), dọc đê sông Đáy, sông Nhuệ… quy định không cho xe tải trọng quá 12 tấn lưu thông, song hằng ngày vẫn có xe chở vật liệu hàng chục tấn chạy trên đê, phá nát mặt đê. Nhiều đoạn xe tải còn cày xới biến mặt đê thành các "ổ gà, ổ trâu'', rất nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông.
Ngoài ra, nhiều tuyến đường như: ĐT 495C ở khu vực phía Tây sông Đáy huyện Thanh Liêm; ĐT 496 B chạy qua địa bàn huyện Bình Lục; ĐT 491 hằng ngày vẫn có xe chở quá tải lưu thông phá nát mặt đường, tạo ra nhiều hố lõm gây mất an toàn giao thông. Cụ thể như ĐT 496 B (từ QL 21 mới nối với cầu Nhân Chính) có chiều dài 6 km, trước đây xuất hiện "ổ gà'' chằng chịt làm cản trở giao thông và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.
Trước sự xuống cấp của ĐT 496 B, năm 2016, Sở Giao thông vận tải đã cho sửa chữa công trình bằng cách vá lại "ổ gà'' và dự án do Công ty TNHH Sông Châu (Duy Tiên) thi công. Công trình sửa chữa đến nay mới được hơn 2 năm nhưng hiện nhiều "ổ gà'' lại xuất hiện trở lại gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Để bảo vệ công trình giao thông, ngoài việc lắp đặt khung khống chế tải trọng, tăng cường biển báo, đề nghị các lực lượng chức năng cần tăng cường công tác tuần tra, xử lý vi phạm. Bởi thực tế nhiều tuyến đường có biển báo rõ ràng, nhưng khi không có lực lượng chức năng kiểm soát thì xe quá tải vẫn lưu thông làm hư hại kết cấu hạ tầng giao thông.